Năm đầu tiên đi du học, mình rất ngại tham gia các sự kiện networking. Đứng trước người bản xứ, mình không biết bắt đầu câu chuyện từ đâu và duy trì nó như thế nào. Khi dịch COVID xảy ra, mọi cuộc họp và sự kiện networking chuyển thành online, mình lại càng có xu hướng… “giấu” mình trong các cuộc nói chuyện, bằng việc tắt âm thanh và video. Kết quả là sau một năm, mối quan hệ mới của mình chỉ vỏn vẹn vài người bạn trong lớp học.
Đến lúc mình đi làm nghiên cứu và trợ giảng, việc mở rộng mối quan hệ lại là một phần thiết yếu trong công việc. Điều này trở thành một cú hích khiến mình quyết tâm cải thiện kỹ năng networking của bản thân. Hơn thế, chính mình cũng mong muốn có thêm những người bạn mới. Sau hai năm luyện tập, mình đã đúc kết được một số kinh nghiệm về việc xây dựng và mở rộng các mối quan hệ. Hi vọng những trải nghiệm này có thể giúp ích phần nào cho những bạn đang tìm cách nâng cao kỹ năng networking giống mình.
1. Chọn phương pháp networking phù hợp với bản thân
Lúc mới bắt đầu, mình học hỏi rất nhiều phương pháp networking khác nhau từ mọi người xung quanh và nguồn tài liệu trên mạng. Sau một thời gian thực hành, mình nhận ra có nhiều phương pháp không phù hợp với tính cách bản thân. Tính cách của mình thiên về nhóm social introvert (hướng nội xã hội), và một trong những đặc điểm của người nhóm này là thường chỉ thoải mái và tự tin trong những môi trường quen thuộc. Nếu xoá bỏ được cảm giác lạ lẫm, mình sẽ dễ dàng bắt chuyện và làm quen người khác. Điều này cũng góp phần lí giải vì sao mình không hề ngại networking khi ở Việt Nam, nhưng lại gặp khó khăn với nó khi ở nước ngoài.
Nhận ra điều này, mình không còn áp dụng tràn lan mọi “bí quyết” học được, thay vào đó, chọn lọc những phương pháp giải quyết được vấn đề tâm lý “sợ môi trường xa lạ” của bản thân. Nhờ vậy, việc networking trở nên nhẹ nhàng và hiệu quả hơn hẳn.
Nếu bạn cũng đang muốn cải thiện kỹ năng networking như mình, sẽ rất tốt nếu bạn xác định được tính cách của bản thân. Cụ thể hơn, những đặc điểm tính cách nào có thể là lợi thế và trở ngại cho quá trình networking. Từ đó, bạn tập trung vào những phương pháp giúp bạn phát huy được lợi thế và giảm thiểu các trở ngại.
2. Đa dạng hoá không gia networking
Không gian networking là nơi bạn xây dựng và duy trì mối quan hệ với người khác. Đó có thể là hội thảo chuyên ngành hoặc sự kiện gặp gỡ những người liên quan công việc hoặc ngành nghề bạn đang làm. Đó có thể là buổi tụ tập với bạn bè, đồng nghiệp. Đó có thể là mạng xã hội. Trước đây, mình thường chỉ loanh quanh tham gia các sự kiện liên quan đến học tập và công việc, nên các mối quan hệ của mình chỉ bó hẹp trong phạm vi trường Đại học. Thời gian vừa rồi, mình “đẩy” bản thân đến nhiều không gian networking hơn như:
- Đi ăn uống, dã ngoại cùng bạn bè (Bạn mình thường mang theo bạn thân/người yêu/chồng/vợ của họ, thế là mình có thêm bạn mới rồi)
- Tham gia các khoá học ở nhiều lĩnh vực khác nhau
- Tương tác nhiều hơn trên mạng xã hội (LinkedIn/Twitter).
Nhờ việc tham gia nhiều không gian networking khác nhau, mình thêm các mối quan hệ cả trong lẫn ngoài lĩnh vực chuyên môn và môi trường làm việc.
3. Phong thái tự tin
Tự tin là một trong những yếu tố quan trọng giúp bạn nhanh chóng làm quen người khác. Để vượt qua được sự ngại ngùng và lạ lẫm ban đầu, mình thường nghĩ rằng: mình đang gặp những người bạn cũ. Bí quyết này mình học được từ chuyên gia đào tạo giọng nói Caroline Goyder**. Theo chị Caroline, khi tưởng tượng bỗng rằng đang gặp bạn cũ, mắt bạn sẽ ánh lên niềm vui, nụ cười sẽ nở trên môi một cách tự nhiên, cách nói chuyện cũng trở nên ấm áp và nồng nhiệt. Quả thực, khi suy nghĩ rằng người đang gặp là một người bạn cũ, mình nhanh chóng vượt qua được cảm giác xa lạ và sẵn sàng chủ động bắt chuyện với họ. Không chỉ vậy, ánh mắt, nụ cười, cử chỉ của mình khi giao tiếp cũng trở nên thoải mái và tự nhiên hơn.
4. Chú trọng việc nuôi dưỡng và duy trì mối quan hệ
Mình luôn ý thức rằng việc làm quen mới chỉ là bước khởi đầu, quá trình nuôi dưỡng, duy trì sau đó mới giúp các mối quan hệ tồn tại và phát triển lâu dài. Có ba thứ mình luôn cố gắng thực hiện trong việc duy trì mối quan hệ:
- Đối xử chân thành
- Chủ động hỏi han, gặp mặt, giúp đỡ
- Tần suất liên lạc ổn định và đều đặn
5. Xây dựng thương hiệu cá nhân
Mình tin rằng việc mở rộng mạng lưới quan hệ không chỉ dừng lại ở việc đi tìm kiếm mối quan hệ mới, mà còn cần có khả năng thu hút các mối quan hệ đến với mình. Vậy nên, xây dựng thương hiệu cá nhân là điều vô cùng cần thiết. Thú thật mình vẫn đang trong quá trình thực hiện mục tiêu này. Trước mắt, mình sẽ tập trung trau dồi năng lực chuyên môn, và chủ động chia sẻ về bản thân và công việc của mình với cộng đồng.
Cảm ơn các bạn đã ghé thăm blog và lắng nghe một vài chia sẻ của mình liên quan đến việc xây dựng, mở rộng mối quan hệ trong công việc và cuộc sống. Nếu các bạn muốn mình viết thêm về chủ đề gì, đừng ngại chia sẻ ở phần comments hoặc inbox nhé. Và đừng quên chia sẻ cảm nhận của bạn ở phần bình luận nhé ♥️
Note: Bài viết này được sản xuất để đăng trên Facebook page Tea with Tâm, nên ngôn ngữ và cách trình bày tương đối đơn giản để phù hợp với xu hướng đọc của khán giả trên nền tảng này. Từ tháng 10/2023, website Tea with Tâm ra đời, với mong muốn mang tới những bài viết chi tiết và có chiều sâu hơn, song song các bài viết ngắn. Rất mong các bạn đón nhận!