Cuối năm 2022, mình có cơ hội tham quan Science Centre Singapore (Trung tâm khoa học Singapore), và một nơi mình tò mò nhất chính là: Triển lãm về nỗi sợ, “Phobias – The Science of Fear”. Trước khi tham quan, mình đoán rằng chắc sẽ có những nỗi sợ thường thấy như sợ ma, sợ rắn, hay sợ lỗ… Nhưng những gì mình khám phá được hoàn toàn khác biệt.
Hình ảnh đầu tiên mình nhìn thấy khi bước chân vào khu này là Bảng xếp hạng 10 nỗi sợ phổ biến nhất. Các bạn đoán xem nỗi sợ nào chiếm ngôi vị đầu bảng?
Public speaking – nói trước đám đông.1
Một thông tin rất thú vị đúng không? Mình biết rằng public speaking là nỗi ám ảnh của rất nhiều người, nhưng không ngờ mức độ lớn đến như vậy.
Mình vốn không phải là người ngại giao tiếp hay thuyết trình trước đông người. Một nửa công việc của mình trong suốt 10 năm đi học và đi làm là nói trước đám đông. Lúc đi học, mình thường xuyên phải thuyết trình trên lớp và tại hội thảo. Lúc đi làm, mình đã trải qua đa dạng các vị trí: MC, diễn giả, người đào tạo.
Nhưng từ lúc đi du học, ở trong một môi trường học tập và làm việc hoàn toàn khác biệt, mình dần đánh mất sự tự tin về kỹ năng này. Mình thường xuyên rơi vào trạng thái hồi hộp, lo lắng khi nói trước đông người. Mỗi lần như vậy, mình sẽ nói rất nhanh, dẫn đến việc người nghe không thể nắm bắt được đầy đủ thông điệp mình muốn truyền tải. Hơn thế, mình còn nhận thấy khi nói Tiếng Anh, giọng mình rất mỏng và dễ bị hụt hơi.
Sau một năm tích cực luyện tập, mình đã dần lấy lại được sự tự tin khi thuyết trình/nói trước đám đông. Tháng 3/2023, mình được lựa chọn vào chung kết cuộc thi thuyết trình dành cho sinh viên Tiến sĩ của trường DCU. Và tháng 5/2023, mình cũng được lọt vào top 5 Best presentation (Thuyết trình xuất sắc) trong hội thảo cuối năm của Business School.
Trong bài viết này, mình sẽ chia sẻ về 5 phương pháp mình đã và đang làm để cải thiện kỹ năng thuyết trình/nói trước đám đông, các bạn có thể tham khảo nha.
1. Khắc phục vấn đề tâm lý
Mình thường lo lắng và hồi hộp trước và trong khoảng 5 phút đầu tiên khi bắt đầu diễn thuyết. Biểu hiện rõ nhất của tâm lý này đó là tim đập thình thịch, giọng nói run run, và gương mặt cực kỳ căng thẳng. Đặc biệt, vấn đề này diễn ra thường xuyên hơn khi đi du học, hoặc khi phải thuyết trình trước những người có trình độ cao hơn mình.
Sau khi quan sát bản thân qua nhiều lần diễn thuyết khác nhau, mình nhận ra được nguyên nhân của vấn đề này đó là 𝐧𝐨̂̃𝐢 𝐬𝐨̛̣ 𝐛𝐢̣ đ𝐚́𝐧𝐡 𝐠𝐢𝐚́. Mình xem việc diễn thuyết như là một màn BIỂU DIỄN (performance), nhằm mục đích gây ấn tượng với người nghe về năng lực bản thân; trong khi mục tiêu đúng của việc diễn thuyết là để chia sẻ kiến thức hoặc truyền cảm hứng tới người nghe.
Đó là lí do vì sao mình gặp vấn đề tâm lý này thường xuyên hơn khi đi du học và khi nói trước người có trình độ cao. Khi khán giả của mình là những người đến từ nhiều nền văn hoá khác nhau, mình không biết tiêu chuẩn của họ về một phần thuyết trình hay là như thế nào, nên mình lo lắng không biết phần “thể hiện” của bản thân có đáp ứng nhu cầu của họ không. Còn khi diễn thuyết trước người có trình độ cao hơn, mình lo sợ rằng mình sẽ bị phát hiện khi nói sai điều gì đó, hoặc nói những điều không đáp ứng được mong muốn của họ. Chính nỗi sợ này đã khiến tâm lý mình hồi hộp và bất an hơn so với bình thường.
𝐆𝐢𝐚̉𝐢 𝐩𝐡𝐚́𝐩:
Khi hiểu được cội nguồn của vấn đề, mình đã thực hiện một số giải pháp sau để khắc phục:
- Xác định lại mục tiêu của việc diễn thuyết, đó là chia sẻ và kết nối, chứ không phải là một màn “biểu diễn” nhằm mục đích thể hiện bản thân. Việc thay đổi tư duy (mindset) này đã giải phóng mình khỏi nỗi sợ bị đánh giá. Lúc trên sân khấu mình tập trung hết sức vào việc làm sao nói những điều thật sự có ích cho người nghe. Và chỉ sau vài phút đầu, khi thấy khán giả bắt đầu chú ý đến bài nói của mình, mình sẽ nhanh chóng lấy được sự tự tin.
- Chuẩn bị kỹ càng. Nếu trước đây mình hay chờ đến gần ngày mới chuẩn bị, thì mình đã thực hiện việc chuẩn bị này trước ít nhất 2 tuần. Kể cả chưa có lịch chính thức, mình cũng đã thu thâp dần ý tưởng và nội dung vào một kho lưu trữ để không bị gấp gáp khi gần đến ngày thuyết trình. Quá trình chuẩn bị này giúp mình tự tin hơn vào nội dung mình chia sẻ, từ đó giảm bớt nỗi lo lắng rằng phần nói của mình không đáp ứng nhu cầu của khán giả.
- Trước mỗi phần diễn thuyết, mình sẽ bắt chuyện với một vài khán giả để xây dựng cảm giác thân quen, gần gũi với họ; đồng thời, có một số hình dung về nhu cầu của khán giả. Điều này củng cố sự tự tin của mình khi đứng trên sân khấu.
2. Cải thiện giọng nói
Mình có giọng nói mỏng và dễ bị hụt hơi khi phải nói liên tục trên 10 phút. Đặc biệt, hơi thở của mình yếu hơn khi nói Tiếng Anh, có lẽ vì cơ miệng phải vận động nhiều hơn so với khi nói Tiếng Việt. Mình đã mày mò khá nhiều phương pháp khác nhau, và trong một năm qua thì mình luyện 3 phương pháp chính:
Luyện giọng bụng
Giọng bụng là giọng được tạo ra từ hơi thở trong khoang bụng. Đây là kỹ thuật được các ca sĩ, MC, diễn giả, chính trị gia… sử dụng để có giọng nói có nội lực, trầm ấm và âm vang hơn. Trước đây, mình hầu như chỉ lấy hơi thở từ ngực, nên lượng hơi không được đầy để phục vụ việc nói.
Để luyện giọng bụng, mình đã thực hiện các bài tập lấy hơi bụng mỗi ngày 15-20 phút. Đồng thời, mình cố gắng luyện thở bụng mọi lúc mọi nơi.
Các bạn cũng gặp vấn đề tương tự như mình có thể tìm kiếm các bài tập như “các bài tập lấy hơi từ bụng”, hoặc “luyện giọng bụng”, hoặc tham khảo các kênh dạy thanh nhạc nha.
Khởi động trước khi nói và tập thể lực
Việc khởi động cơ thể, cơ mặt và giọng nói trước khi diễn thuyết sẽ giúp các bạn có một tư thế thoải mái, khoẻ khoắn hơn khi nói trước đám đông. Đồng thời, việc rèn luyện thể lực hằng ngày cũng bổ trợ rất nhiều đến việc nâng cao sức khoẻ cho hơi thở. Các bạn có thể tìm kiếm trên Youtube các bài khởi động trước khi nói với từ khoá “voice warm-up” nha. Chỉ mất 5 phút khởi động thôi nhưng có hiệu quả rất tích cực đó.
Tập hát mỗi ngày
Hát là nâng cao của việc nói, nên mình luyện hát mỗi ngày như một cách rèn luyện giọng nói, mà cũng đỡ nhàm chán hơn khi tập mãi một bài hít vào thở ra liên tục. Khi hát các bạn phải điều hoà hơi thở nhịp nhàng để phù hợp với cao độ, trường độ và cảm xúc bài hát, nên việc luyện hát rất có ích cho việc điều tiết hơi thở khi nói.
Vì đây là hoạt động luyện tập nên mình không hát vu vơ, mà thực sự để tâm xem sự thay đổi về hơi thở của mình sau mỗi ngày luyện tập, hoặc ngày hôm nay mình đã hát tốt hơn phần nào. Sau khoảng 6 tháng, mình thấy cột hơi của mình khi hát đã vững hơn, có thể hát thêm được một số nốt cao và nốt trầm mà trước đây không hát được. Đồng thời, khi nói mình cũng điều hoà hơi thở tốt hơn. Đúng là một mũi tên trúng hai đích ha
3. Điều chỉnh tốc độ nói phù hợp với từng hoàn cảnh
Tháng 3 vừa rồi, mình tham gia một cuộc thi thuyết trình ở trường. Trước ngày thi, mình tập thuyết trình trước giáo sư hướng dẫn Tiến sĩ của mình và nhờ cô đánh giá. Cô chỉ khuyên mình một điều duy nhất: Nói chậm lại, và phát âm tròn vành rõ chữ.
Mình vốn hay căng thẳng và áp lực khi thuyết trình, và mỗi lúc như vậy, mình sẽ nói rất nhanh, cảm giác như để kịp đuổi theo nhịp tim đang đập liên hồi của mình. Chắc cô cũng nhìn thấy được vấn đề đó, nên luôn dặn đi dặn lại: em hãy nói ở tốc độ vừa phải, đủ để khán giả có thể nghe đầy đủ các từ em nói, và có thời gian suy ngẫm những điều em vừa trình bày. Hơn nữa, việc nói chậm lại sẽ giúp điều hoà lại hơi thở và nhịp tim, và từ đó giảm dần sự căng thẳng.
Vậy tốc độ nói như thế nào là phù hợp?
Tốc độ nói của các sách nói (audiobook) là khoảng 150-160 chữ/phút, tương đối chậm.
Tốc độ nói trung bình của các diễn giả trong các bài TED Talk nổi tiếng là 190 chữ/phút2
Sau khi thử nhiều tốc độ nói khác nhau, mình nhận thấy tốc độ nói ‘lý tưởng’ của mình khi thuyết trình tiếng Anh là 160-170 chữ/phút. Tốc độ này đảm bảo để mình có thể phát âm tròn vành rõ chữ, mà vẫn không bị rề rà khi nói.
Tất nhiên, mình sẽ không nói đều đều một tốc độ này suốt cả bài thuyết trình, mà sẽ có lúc nhanh-lúc chậm, lúc hào hứng-lúc chậm rãi, để duy trì sự hứng thú của khán giả.
4. Học cách sử dụng ngôn ngữ hình thể hiệu quả
Trước đây, mình cứ nghĩ rằng lúc thuyết trình mà có sử dụng một vài ngôn ngữ hình thể (body language), như đi lại thường xuyên, có cử chỉ tay chân, hoặc giao tiếp bằng ánh mắt, là đạt yêu cầu rồi. Nhưng mọi việc không đơn giản như vậy.
Hồi học Thạc sĩ, mình có cơ hội được trực tiếp đánh giá bởi một giảng viên chuyên về kỹ năng diễn thuyết và nói trước đám đông. Thầy đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế trong cách sử dụng body language của mình như sau:
- Đi lại quá nhiều khiến khán giả dễ mất tập trung
- Chỉ tay và nhìn slide liên tục, thiếu sự tương tác với khán giả
- Các cử chỉ tay không khớp với nội dung nói
Sau lần đó, mình mới biết rằng ngôn ngữ hình thể không nên sử dụng một cách bản năng, mà nên có mục đích cụ thể. Mỗi bước đi, mỗi cử chỉ tay, mỗi điệu bộ đều cần được tính toán kỹ để phục vụ hiệu quả nhất việc truyền tải nội dung và kết nối với khán giả.
Việc luyện tập ngôn ngữ cơ thể này không hề khó. Các bạn có thể tìm kiếm các video hướng dẫn body language, hoặc hand gestures (cử chỉ tay) khi thuyết trình là có thể thực hiện được ngay.
5. Luôn ghi hình lại bài thuyết trình – xem lại – đánh giá
Mình từng rất ngại nghe lại giọng nói của mình, chưa nói đến việc xem lại bản thân lúc thuyết trình. Chính vì vậy, tất cả những vấn đề kể trên—tâm lý, giọng nói, ngôn ngữ hình thể—mới mãi không được giải quyết và tồn tại đến tận bây giờ.
Từ năm ngoái, mình đã tập thói quen ghi hình lại việc tập luyện thuyết trình, xem lại nó và đánh giá khách quan những gì đã làm được – chưa làm được. Những lần đầu đúng là rất khó để đối diện, nhưng rồi cũng quen.
Mình thấy một trong những giá trị lớn nhất mà việc ghi hình này đem lại, là giúp mình phát hiện ra rất nhiều hành động vô thức…không được đẹp lắm khi nói, như hay nhìn lên trần nhà mỗi khi cố nhớ kịch bản, hoặc hay nhìn xuống đất khi suy nghĩ. Các bạn thử ghi hình lại xem, sẽ thấy nhiều điều bất ngờ về bản thân đó.
Kết
Thuyết trình/nói trước đám đông là một kỹ năng cần sự rèn luyện lâu dài, và mỗi người lại có những vấn đề riêng cần cải thiện. Mặc dù vậy, mình vẫn hi vọng vài kinh nghiệm nhỏ của mình sẽ giúp ích được gì đó cho các bạn.
Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết này. Đừng quên chia sẻ cảm nhận của bạn ở phần bình luận nhé ♥️
- Thông tin này dựa trên hình ảnh mình chụp được tại triển lãm vào tháng 12/2022. Mình có kiểm tra một số nghiên cứu và bảng xếp hạng về nỗi sợ khác thì kết quả rất đa dạng, và nhiều bảng xếp hạng không đề cập đến public speaking. Mình nhận thấy việc kiểm tra ‘public speaking có đúng là nỗi sợ phổ biến nhất của con người không’ vượt quá phạm vi bài viết này, nên mình hi vọng các bạn sẽ xem thông tin này ở khía cạnh tham khảo. ↩︎
- Dựa vào cuốn sách ‘Talk like TED” của tác giả Carmine Gallo ↩︎
Note: Bài viết này được sản xuất để đăng trên Facebook page Tea with Tâm, nên ngôn ngữ và cách trình bày tương đối đơn giản để phù hợp với xu hướng đọc của khán giả trên nền tảng này. Từ tháng 10/2023, website Tea with Tâm ra đời, với mong muốn mang tới những bài viết chi tiết và có chiều sâu hơn, song song các bài viết ngắn. Rất mong các bạn đón nhận!