Trong bài viết này, mình chia sẻ 5 kinh nghiệm giúp bản thân mình nâng cao nâng cao khả năng tập trung trong học tập và làm việc. Mình cũng đính kèm video/podcast hướng dẫn để giúp các bạn dễ nắm bắt hơn. Hi vọng bài viết này sẽ giúp ích được gì đó cho các bạn!
𝟏. 𝐋𝐞̂𝐧 𝐤𝐞̂́ 𝐡𝐨𝐚̣𝐜𝐡 𝐜𝐨̂𝐧𝐠 𝐯𝐢𝐞̣̂𝐜
Thường mọi người biết đến tác dụng của lên kế hoạch công việc là để quản lý thời gian tốt hơn. Riêng với mình, lên kế hoạch còn có một lợi ích nữa, đó là giúp mình nhanh chóng đi vào chế độ tập trung mỗi khi bắt đầu học tập, làm việc. Nếu không có kế hoạch cụ thể, mình sẽ có xu hướng nhảy cóc liên tục giữa các công việc khác nhau, hoặc dành thời gian cho những việc không quan trọng. Còn khi biết cần phải làm gì, mình sẽ dễ dàng tập trung hơn.
𝟐. 𝐏𝐡𝐚̂𝐧 𝐛𝐨̂̉ 𝐬𝐮̛̣ 𝐭𝐚̣̂𝐩 𝐭𝐫𝐮𝐧𝐠 𝐩𝐡𝐮̀ 𝐡𝐨̛̣𝐩 𝐯𝐨̛́𝐢 𝐭𝐢́𝐧𝐡 𝐜𝐡𝐚̂́𝐭 𝐜𝐨̂𝐧𝐠 𝐯𝐢𝐞̣̂𝐜
Trong danh sách các công việc cần làm, mình phân loại thành hai nhóm: 𝒅𝒆𝒆𝒑 𝒘𝒐𝒓𝒌 và 𝒔𝒉𝒂𝒍𝒍𝒐𝒘 𝒘𝒐𝒓𝒌*. Mỗi nhóm có mức độ đòi hỏi về tư duy và thời gian thực hiện khác nhau, và mình sẽ có phân bổ mức độ tập trung tương ứng với chúng. Cụ thể:
𝐃𝐞𝐞𝐩 𝐰𝐨𝐫𝐤 là những công việc đòi hỏi 𝐭𝐮̛ 𝐝𝐮𝐲 𝐜𝐚𝐨 đ𝐨̣̂, cần được thực hiện trong trạng thái tập trung tuyệt đối. Ví dụ (trong trường hợp của mình): làm bài tập, viết bài luận, hoặc viết hồ sơ xin học bổng.
Với nhóm này, mình sẽ (1) thực hiện vào lúc đầu óc minh mẫn, tỉnh táo nhất, (2) chỉ làm mỗi việc đó trong thời gian đề ra, và (3) cố gắng loại bỏ hoàn toàn các yếu tố gây xao nhãng (ví dụ: email, tin nhắn, âm thanh) trong khoảng thời gian đó. Ba việc này sẽ giúp mình đạt được sự tập trung cao độ để hoàn thành công việc trong thời gian đề ra.
𝐒𝐡𝐚𝐥𝐥𝐨𝐰 𝐰𝐨𝐫𝐤 là những công việc không yêu cầu cao về mặt tư duy, hoặc đã trở thành kỹ năng thành thục. Ví dụ (trong trường hợp của mình): trả lời emails thường ngày, hoặc chỉnh sửa slide. Với loại công việc này, mình sẽ thoải mái hơn, như có thể vừa trả lời email vừa nghe nhạc nhẹ nhàng.
Việc phân loại này giúp mình phân bổ sự tập trung trong ngày một cách hài hoà, tránh việc phải tập trung liên tục khiến mình mệt mỏi, cũng như thích ứng được với thực tế cuộc sống của chúng ta (luôn cần xử lý nhiều công việc một lúc).
𝟑. 𝐓𝐚̣𝐨 𝐦𝐨̂𝐢 𝐭𝐫𝐮̛𝐨̛̀𝐧𝐠 𝐡𝐨̂̃ 𝐭𝐫𝐨̛̣ 𝐬𝐮̛̣ 𝐭𝐚̣̂𝐩 𝐭𝐫𝐮𝐧𝐠
Việc này hoàn toàn tuỳ thuộc vào thói quen, không gian học tập, làm việc và tính chất công việc bạn đang làm. Nếu các bạn mới bắt đầu quá trình rèn luyện sự tập trung, thì có thể tham khảo 3 gợi ý sau nhé:
- 𝐊𝐡𝐨̂𝐧𝐠 𝐠𝐢𝐚𝐧 𝐥𝐚̀𝐦 𝐯𝐢𝐞̣̂𝐜. Mình cảm thấy tập trung tốt hơn trong không gian yên tĩnh, bởi vậy, khi cần tập trung, mình sẽ tắt chuông điện thoại, thậm chí úp điện thoại xuống để tránh nhìn vào màn hình. Tuy nhiên, khi ở với không gian quen thuộc đó trong khoảng thời gian dài, mình dễ cảm thấy chán, và sự tập trung cũng bị suy giảm. Bởi vậy, thỉnh thoảng mình sẽ đổi không gian làm việc, ví dụ lên lab, hoặc ngồi ở quán cafe.
- “𝐑𝐨𝐮𝐭𝐢𝐧𝐞” 𝐭𝐫𝐮̛𝐨̛́𝐜 𝐤𝐡𝐢 𝐛𝐚̆́𝐭 đ𝐚̂̀𝐮 𝐥𝐚̀𝐦 𝐯𝐢𝐞̣̂𝐜. Ví dụ, dùng cafe hoặc trà, vận động nhẹ nhàng, hoặc sắp xếp bàn làm việc… Bạn chọn hoạt động gì cũng được, miễn là làm thường xuyên để biến chúng trở thành một “công tắc” báo hiệu cho não rằng: “Chúng ta sắp làm việc tập trung”.
- 𝐒𝐮̛̉ 𝐝𝐮̣𝐧𝐠 𝐜𝐨̂𝐧𝐠 𝐜𝐮̣ 𝐡𝐨̂̃ 𝐭𝐫𝐨̛̣ 𝐬𝐮̛̣ 𝐭𝐚̣̂𝐩 𝐭𝐫𝐮𝐧𝐠. Ví dụ, các bạn có thể sử dụng phương pháp Pomodoro**, hoặc mở các video “Study with me”. Sau một thời gian quen với việc tập trung rồi, các bạn có thể sẽ không cần các công cụ hỗ trợ này nữa.
𝟒. 𝐆𝐢𝐚̉𝐦 𝐭𝐡𝐢𝐞̂̉𝐮 𝐭𝐡𝐨̛̀𝐢 𝐠𝐢𝐚𝐧 𝐬𝐮̛̉ 𝐝𝐮̣𝐧𝐠 𝐦𝐚̣𝐧𝐠 𝐱𝐚̃ 𝐡𝐨̣̂𝐢, 𝐤𝐞̂̉ 𝐜𝐚̉ 𝐭𝐫𝐨𝐧𝐠 𝐭𝐡𝐨̛̀𝐢 𝐠𝐢𝐚𝐧 𝐧𝐠𝐡𝐢̉ 𝐧𝐠𝐨̛𝐢
Đối với mình, mạng xã hội là một trong những thứ gây xao nhãng nhiều nhất lúc mình cần học hay làm việc. Ngồi yên một chỗ mãi cũng chán, nên không ít lần đang học mình lại cầm điện thoại lướt mạng xã hội hay xem tin tức. Đặc biệt, nó lại là thứ dễ “gây nghiện”, nên lâu lâu không kiểm tra là mình lại thấy thiếu thiếu. Không biết các bạn có từng cảm thấy như vậy không?
Bởi vậy, mình cố gắng giảm thời gian sử dụng mạng xã hội không chỉ trong ngày làm việc, mà còn cả lúc nghỉ ngơi. Mình cũng lựa chọn thêm nhiều hoạt động giải trí khác, thay vì chỉ lướt mạng. Việc này giúp mình không còn cảm thấy quá thiếu thốn khi không được sử dụng mạng xã hội, và từ đó việc tập trung khi học hay làm việc cũng trở nên dễ dàng hơn.
𝟓. 𝐍𝐠𝐡𝐢̉ 𝐧𝐠𝐨̛𝐢 𝐡𝐨̛̣𝐩 𝐥𝐲́
Điều cuối cùng giúp mình củng cố sự tập trung, đó là có chế độ nghỉ ngơi hợp lý. Nếu não bộ của các bạn liên tục tập trung, căng như dây đàn trong suốt một thời gian dài, các bạn sẽ thấy bản thân rất dễ mệt mỏi, kiệt sức, và sự tập trung cũng không còn duy trì vào những ngày tiếp theo nữa.
Bởi vậy, các bạn đừng quên dành thời gian nghỉ ngơi để tái tạo năng lượng, phục vụ cho sự tập trung ở các công việc tiếp theo nhé. Ví dụ:
- Trong ngày làm việc, các bạn nên có những khoảng nghỉ ngắn giữa các khoảng thời gian làm việc tập trung.
- Bạn cũng nên đặt mốc thời gian kết thúc ngày làm việc của mình, và dành thời gian sau đó để nghỉ ngơi, thư giãn.
- Đặc biệt, một nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, việc tiếp xúc, hoà mình với thiên nhiên sẽ cực kỳ hiệu quả trong việc tái tạo năng lượng và phục hồi sự tập trung. Nên các bạn có thể ưu tiên các hoạt động dã ngoại, vui chơi ngoài trời nhé.
Nếu các bạn muốn hiểu chi tiết hơn về các phương pháp trên, các bạn có thể theo dõi, hoặc nghe video podcast dưới đây nhé. Video podcast đã có mặt trên Youtube và các nền tảng podcast như Spotify, Apple Podcast và Google Podcast.
Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết. Những kinh nghiệm này có thể không quá mới, nhưng hi vọng vẫn sẽ giúp ích được chút gì đó cho các bạn. Nếu các bạn có thêm những phương pháp nào giúp rèn luyện sự tập trung, các bạn có thể chia sẻ với mình ở phần bình luận nhé.
*Cách phân loại deep work và shallow work: mình học từ cuốn sách “Deep Work: Rules for Focused Success in a Distracted World” (Cal Newport).
**Phương pháp Pomodoro: chia công việc thành các nhiệm vụ nhỏ để làm trong một khoảng thời gian ngắn (ví dụ: 25 phút), xen giữa các khoảng làm việc ngắn này sẽ thời gian giải lao ngắn (ví dụ: 5 phút).
Note: Bài viết này được sản xuất để đăng trên Facebook page Tea with Tâm, nên ngôn ngữ và cách trình bày tương đối đơn giản để phù hợp với xu hướng đọc của khán giả trên nền tảng này. Từ tháng 10/2023, website Tea with Tâm ra đời, với mong muốn mang tới những bài viết chi tiết và có chiều sâu hơn, song song các bài viết ngắn. Rất mong các bạn đón nhận!