Đợt này có nhiều bạn hỏi mình về kinh nghiệm lúc học Thạc sĩ, nên mình đã tổng hợp “tất tần tật” trải nghiệm của mình thành một chuỗi bài viết ngắn. Chuỗi bài này chia sẻ về trải nghiệm của mình khi học Thạc sĩ ngành Quản trị nhân lực (MSc in Human Resource Management) tại Trinity College Dublin, Ireland.
Mặc dù phần lớn trải nghiệm đến từ ngành học riêng của mình, nhưng mình hi vọng có thể phần nào đó giúp các bạn hình dung được về chương trình học, phương pháp giảng dạy và cuộc sống của một sinh viên trong chương trình Thạc sĩ tại Ireland. Các bạn học ngành khác hoặc trường khác cũng có thể chia sẻ trải nghiệm của riêng bạn để chúng ta có cái nhìn toàn diện, đa dạng hơn nhé.
Trong phần đầu tiên, mình sẽ chia sẻ tổng quan về chương trình Thạc sĩ Human Resource Management (HRM) mà mình được học vào năm 2019-2020.
1. Chương trình học
Bao gồm 12 môn học và 1 luận văn tốt nghiệp. Mình tạm chia thành 3 nhóm để giúp các bạn dễ hình dung hơn.
Nhóm 1: Các nội dung cốt lõi của Quản trị nhân lực
Nhóm này gồm có 10 môn học 1. Đặc điểm của nhóm này như sau:
- Mỗi môn học có 6 tiết giảng dạy trên lớp, mỗi tiết kéo dài 3 tiếng. Các tiết học có thể trải dài cả học kỳ (mỗi tuần một tiết), hoặc được học liên tục trong vòng một tuần (mình hay gọi là học “cuốn chiếu”).
- Trước mỗi môn học, giáo viên luôn gửi mô tả môn học (Module outline) và danh sách các tài liệu cần đọc nên sinh viên có thời gian chuẩn bị kiến thức và tinh thần chinh chiến. Trước mỗi buổi học, sinh viên cần đọc tài liệu được yêu cầu để chuẩn bị cho việc tiếp thu kiến thức cũng như thực hiện các hoạt động thuyết trình, thảo luận và reflection.
- Phương thức đánh giá: Sinh viên cần hoàn thành 02 bài tập – bài tập giữa kỳ và cuối kỳ – để tính điểm môn học. Tuỳ vào tính chất môn học, hình thức của hai bài tập này có thể là bài luận/thuyết trình cá nhân, bài luận/ thuyết trình nhóm, hoặc thi cuối kỳ.
- Phương pháp giảng dạy: Ở mỗi tiết học, giảng viên sẽ hệ thống kiến thức, cung cấp các lý thuyết và case studies liên quan để giúp các bạn nắm chắc vấn đề. Việc “thầy giảng, trò chép” cực kỳ hạn chế trong các tiết học. Mỗi buổi học của mình giống như một buổi hội thảo chuyên môn, tại đó giảng viên và sinh viên thảo luận một cách sôi nổi về các vấn đề trong ngành Nhân sự. Đồng thời, sinh viên cũng được thực hành giải quyết case studies của các doanh nghiệp thực tế trong quá trình học.
Với cách thức giảng dạy này, sinh viên được tiếp cận kiến thức một cách chủ động và nắm bắt vấn đề toàn diện hơn. Bên cạnh đó, các kỹ năng cần thiết như phân tích, lập luận, làm việc nhóm và thuyết trình cũng được tạo điều kiện phát triển.
- Chương trình học có một môn tên là “HRM in Practice” được thực hiện dưới hình thức tham quan và làm dự án cùng doanh nghiệp. Bọn mình được đi tham quan 5 công ty tại Ireland là Deloitte, Grant Thornton, Oracle, SAP, và Workday để tìm hiểu về chính sách quản lý nhân sự của các công ty. Đồng thời, bọn mình được chia nhóm để giải quyết các case studies do doanh nghiệp đưa ra và thuyết trình về giải pháp của mình với đội ngũ quản lý của công ty.
Nhóm 2: Nghiên cứu trong ngành HRM
Nhóm này bao gồm môn Researching HRM (Phương pháp nghiên cứu) và Dissertation (Luận văn thạc sĩ).
- Môn “Researching HRM” giống như là bước đệm cho việc thực hiện Luận văn thạc sĩ. Môn học này cung cấp các kiến thức và kỹ năng thiết yếu về nghiên cứu khoa học, nhằm giúp sinh viên chuẩn bị cho việc thực hiện luận văn tốt nghiệp. Các thầy cô khoa mình hiểu hầu hết sinh viên đều bỡ ngỡ với việc thực hiện nghiên cứu, nên đã thiết kế môn học này để giúp bọn mình dần dần làm quen với các giai đoạn trong nghiên cứu. Bài tập cuối kỳ của môn này cũng chính là Research Proposal (Đề xuất nghiên cứu) cho luận văn thạc sĩ. Nhờ môn học này mà bọn mình có quá trình chuẩn bị luận văn kỹ lưỡng ngay từ đầu năm học.
- Về luận văn thạc sĩ, mỗi sinh viên được phân bổ một giáo viên hướng dẫn (supervisor) để đồng hành trong quá trình thực hiện. Việc phân bổ này dựa vào sự phù hợp giữa hướng nghiên cứu của supervisor và đề tài luận án của sinh viên.
Nhóm 3: Kỹ năng xin việc
Trong chương trình của mình có một môn tên là “HRM Career”, nhằm trang bị các kỹ năng xin việc cho sinh viên, bao gồm: viết CV, phỏng vấn và tối ưu hoá profile trên LinkedIn. Môn học này không nằm trong chương trình học bắt buộc, nhưng sẽ được đưa vào thời khoá biểu với thời lượng 1 tiếng/tuần trong học kỳ 1 để chúng mình có sự chuẩn bị ngay từ sớm. Ngoài ra, sinh viên còn có thể được tiếp cận các dịch vụ tư vấn sửa CV, phỏng vấn thử cũng như tham gia các hội thảo chia sẻ kinh nghiệm tổ chức hàng tuần. Trường mình còn thuê thợ chụp ảnh để chụp hình profile LinkedIn cho từng sinh viên .

Chụp cùng các bạn học Thạc sĩ nè
2. Một số kinh nghiệm rút ra sau quá trình học
Workload
Với 6 môn/học kỳ, lượng công việc cần đáp ứng trong chương trình thạc sĩ khá lớn. Đặc biệt, công việc sẽ cực kỳ gấp rút trong thời điểm gần kết thúc học kỳ – thường là thời điểm của deadline nộp bài luận và thi cuối kỳ. Tuy nhiên, nếu các bạn quản lý thời gian hiệu quả và rèn luyện tính kỷ luật trong học tập mỗi ngày, việc hoàn thành chương trình học với kết quả tốt là điều hoàn toàn trong tầm tay.
Kinh nghiệm làm việc sẽ hỗ trợ tốt cho quá trình học
Theo đánh giá chủ quan của mình, kiến thức từ chương trình Thạc sĩ HRM mình theo học sẽ được tiếp thu hiệu quả hơn khi bạn đã có kinh nghiệm làm việc và hiểu biết nhất định về ngành Nhân sự. Điều này xuất phát từ hai lí do chính.
- Lí do thứ nhất, kiến thức được cung cấp trên lớp phần lớn là hệ thống lý thuyết về các vấn đề trong ngành. Nếu hoàn toàn chưa có trải nghiệm thực tế với ngành HRM trước đó, bạn có thể cảm thấy mơ hồ và mất nhiều thời gian hơn để hiểu vấn đề, từ đó cũng khó khăn tham gia vào quá trình thảo luận trên lớp và làm bài tập hơn.
Lấy ví dụ về nội dung Tuyển dụng nhân sự. Chương trình học sẽ không dạy kỹ cho bạn từng bước trong quá trình Tuyển dụng, mà sẽ tập trung vào các vấn đề mang tính khái quát hơn như:
– Chức năng và mối quan hệ của bộ phận Tuyển dụng với chiến lược quản trị nhân sự nói chung của doanh nghiệp
– Mối quan hệ của hoạt động Tuyển dụng với kết quả hoạt động của công ty (organisational performance)
– Những vấn đề đang “hot” trong lĩnh vực Tuyển dụng, ví dụ áp dụng công nghệ vào quá trình tuyển chọn nhân viên.
Chính bản thân mình dù đã có hơn 4 năm kinh nghiệm làm việc trong mảng Tuyển dụng trước đó nhưng vẫn mất rất nhiều thời gian để hiểu và xử lý những vấn đề trên. Đến lúc học các môn không thuộc kinh nghiệm và hiểu biết trước đó (ví dụ: chính sách lương – thưởng, quan hệ lao động) thì rất chật vật để hiểu bài trên lớp và làm bài tập.
- Lí do thứ hai, khi các bạn có thể liên hệ kiến thức với thực tiễn, trải nghiệm học tập sẽ tuyệt vời hơn rất nhiều, cảm giác như mình được khai sáng vậy. Mình đã có rất nhiều giây phút vui sướng khi tìm được lời giải cho các vấn đề chưa giải quyết lúc còn đi làm, nhờ những kiến thức được cung cấp trong chương trình học. Nhưng ngược lại, nhiều bạn trong lớp của mình chưa tiếp xúc với HRM trước đó, hoặc chưa bao giờ đi làm, thì sẽ có xu hướng học kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” mà thôi.
Tuy nhiên, rõ ràng là chúng ta không thể nào hiểu biết hết mọi lĩnh vực, cũng như không phải ai cũng có thể đi làm vài năm rồi mới đi học, nên nếu các bạn chưa có kinh nghiệm đi làm trong ngành HRM và gặp tình trạng “cưỡi ngựa xem hoa” khi học Thạc sĩ ngành này, các bạn có thể lưu lại tất cả mọi bài giảng, tài liệu từ chương trình học. Sau một thời gian đi làm, các bạn thử mở ra đọc lại xem, các bạn sẽ vỡ lẽ được rất nhiều điều, đồng thời thấy những nội dung đã học thấm thía và có giá trị hơn. Đâu phải kiến thức được học chỉ gói gọn trong một năm đâu đúng không . Mình ngày trước cũng bị tình trạng “cưỡi ngựa xem hoa” một vài môn, sau hơn một năm đi làm quay trở lại mở slide/tài liệu ra đọc thì thấy hiểu vấn đề hơn rất nhiều.

Mình đang thuyết trình trong một tiết học
Kỹ năng phân tích và lập luận vấn đề rất cần thiết
Các giờ học của mình luôn dành ít nhất một nửa thời gian cho việc thuyết trình, thảo luận nhóm và reflection cá nhân. Thầy cô luôn khuyến khích bọn mình nêu ý kiến trong giờ học. Tất cả mọi ý kiến – dù đúng dù sai – đều được hoan nghênh nên các bạn cứ mạnh dạn phát biểu. Nếu các bạn đưa ra được những ý tưởng hay, có cách trình bày, lập luận thuyết phục nữa thì sẽ gây ấn tượng rất tốt với thầy cô và bạn bè trong lớp, từ đó có nhiều cơ hội trong qua trình học tập hơn. Bản thân mình tiếc nhất là trước khi du học không chú trọng luyện tập việc lập luận, phản biện, nên mấy tháng đầu đi học rất chật vật trong quá trình thảo luận trên lớp.
Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết của mình. Trong phần tiếp theo, mình sẽ chia sẻ một số kinh nghiệm “chinh chiến” các bài luận trong chương trình Thạc sĩ. Hi vọng sẽ được các bạn ủng hộ. Nếu các bạn có câu hỏi gì liên quan đến học Thạc sĩ và học tập nói chung, các bạn cho mình biết nhé
____________________________
- 10 môn học trong nhóm 1: Human Resource Management, Strategic and International Human Resource Management, Learning and Development, Performance and Rewards Management, Organisation Design and Development, Managing Employment Relations, Managing Diversity in Organisations, Developing Skills for Business Leadership, Business Ethics Society, HR Analytics and HRM in Practice. ↩︎
Note: Bài viết này được sản xuất để đăng trên Facebook page Tea with Tâm, nên ngôn ngữ và cách trình bày tương đối đơn giản để phù hợp với xu hướng đọc của khán giả trên nền tảng này. Từ tháng 10/2023, website Tea with Tâm ra đời, với mong muốn mang tới những bài viết chi tiết và có chiều sâu hơn, song song các bài viết ngắn. Rất mong các bạn đón nhận!
Xem các bài viết cùng series:
Du học Thạc sĩ – Phần 2: Cách làm việc với giáo sư hướng dẫn
Du học Thạc sĩ – Phần 3: Kinh nghiệm viết luận Thạc sĩ
Du học Thạc sĩ – Phần 4: Những người bạn tuyệt vời
Du học Thạc sĩ – Phần 5: Cải thiện kỹ năng Đọc và viết Tiếng Anh học thuật