Một trong những người có tác động lớn đến quyết định đi theo con đường nghiên cứu cũng như thái độ làm việc hiện tại của mình là thầy Steven, giáo viên hướng dẫn luận văn Thạc sĩ (supervisor). Có ba điều thú vị về câu chuyện của mình với thầy Steven.
- Thứ nhất, thầy không phải là lựa chọn supervisor ban đầu của mình.
- Thứ hai, trong thời gian hướng dẫn mình, thầy vẫn còn là nghiên cứu sinh Tiến sĩ năm cuối.
- Thứ ba, nhờ có sự hướng dẫn của thầy, mình đã hoàn thành luận văn với số điểm cao nhất lớp.
Ngay từ đầu năm học, sinh viên bọn mình đã bắt đầu tìm hiểu về các thầy cô trong khoa để lựa chọn giáo viên hướng dẫn tiềm năng cho đề tài tốt nghiệp. Lúc gần kết thúc học kỳ 1, mình đã được thầy Paul, giáo sư bên mảng Learning & Development, đồng ý hướng dẫn luận văn. Thầy đã đưa ra rất nhiều đóng góp cho đề tài của mình, còn gửi thêm tài liệu để mình đọc thêm trong kỳ nghỉ nữa. Tuy nhiên, đầu học kỳ 2 của chương trình Thạc sĩ, bọn mình mới được biết supervisor sẽ được khoa phân bổ dựa trên đề tài nghiên cứu, chứ không phải do sinh viên lựa chọn. Mặc dù vậy, mình vẫn tin tưởng rằng thầy Paul sẽ trở thành supervisor chính thức của mình, vì đề tài mình dự kiến thực hiện thuộc đúng lĩnh vực thế mạnh của thầy.
Đến lúc nhận kết quả phân bổ từ khoa, mình rất bất ngờ và hụt hẫng khi thấy tên mình không thuộc nhóm sinh viên được thầy Paul phụ trách. Người hướng dẫn mình là thầy Steven, một nghiên cứu sinh Tiến sĩ năm cuối. Trước đó, mình có nói chuyện với thầy hai lần khi thầy làm trợ giảng cho một môn học, nhưng cũng không có ấn tượng gì đặc biệt lắm. Ngoài ra, vì lúc đó thầy vẫn còn là sinh viên Tiến sĩ, nên mình khá hoài nghi về kinh nghiệm và kỹ năng hướng dẫn của thầy.
Thế nhưng, việc được thầy Steven hướng dẫn hoá ra lại là điều may mắn lớn nhất trong năm học Thạc sĩ của mình. Thầy chỉ phụ trách hướng dẫn hai sinh viên, có lẽ vậy mà mình nhận được sự đồng hành sát sao hơn so với các bạn khác trong lớp (lúc đó, mỗi giáo sư hướng dẫn của lớp mình phụ trách ít nhất 5 sinh viên). Một điểm đặc trưng nhất trong phong cách làm việc của thầy đó là sự thẳng thắn và khách quan khi đưa ra góp ý. Thầy rất hiếm khi đưa ra lời khen, mà có xu hướng tập trung hơn vào các vấn đề còn tồn tại trong bài viết. Mình nhớ khi nhận bài sửa cho bản nháp đầu tiên, mình đã rất sốc khi thấy gần 20 trang viết chi chít bình luận màu đỏ. “Chắc bài viết của mình tệ lắm, nên mới phải sửa nhiều như vậy”, mình đã nghĩ thế. Phải đến 2-3 ngày sau, mình mới đủ bình tĩnh ngồi xuống đọc góp ý của thầy.
Đến khi dành thời gian đọc kỹ từng bình luận, mình nhận thấy thật ra các góp ý của thầy không hề gay gắt như mình nghĩ. Thầy chỉ góp ý rất nhiều, rất chi tiết và thẳng thắn thôi, nhưng chỉ ra được vấn đề cụ thể và đưa ra giải pháp cho vấn đề đó. Sau khi sửa lại theo góp ý của thầy, mình thấy bài viết tiến bộ hơn rất nhiều.
Sau khi tốt nghiệp Thạc sĩ, mình có cơ hội gặp một vài nghiên cứu sinh từng hợp tác với thầy Steven, thì mọi người đều bảo thầy vốn là người luôn đưa ra rất nhiều góp ý. Tuy nhiên, không phải sinh viên nào cũng nhanh chóng thích ứng được với phong cách góp ý đó, dẫn đến khá nhiều bình luận trái chiều về thầy Steven. Người cho rằng việc thầy đưa ra nhiều góp ý là tốt cho sinh viên, người lại cảm thấy thầy quá cứng nhắc và khắt khe.
Sau này, thầy Steven còn giúp mình sửa CV, cover letter và một số bài viết khác trong quá trình làm Research Assistant. Nhờ thường xuyên nhận những critical feedback từ thầy, mình hình thành được thái độ bình tĩnh, thoải mái khi đón nhận đánh giá của người khác. Ngày trước, nếu bị góp ý về một vấn đề gì đó, mình sẽ có xu hướng phản kháng lại và bào chữa cho hành động của mình, hoặc buồn bã, chán nản, tự ti về năng lực bản thân. Đến bây giờ, khi làm trong ngành nghiên cứu và thường xuyên phải đối diện với những lời đánh giá, phê bình từ người khác, mình càng cảm thấy biết ơn quãng thời gian được làm việc với thầy Steven.
Cho dù các bạn đang đi học hay đi làm, mình chúc các bạn sẽ có những người thầy/mentor tốt giúp các bạn phát triển và hoàn thiện hơn mỗi ngày.
Chúc các bạn cuối tuần tràn đầy niềm vui.
Note: Bài viết này được sản xuất để đăng trên Facebook page Tea with Tâm, nên ngôn ngữ và cách trình bày tương đối đơn giản để phù hợp với xu hướng đọc của khán giả trên nền tảng này. Từ tháng 10/2023, website Tea with Tâm ra đời, với mong muốn mang tới những bài viết chi tiết và có chiều sâu hơn, song song các bài viết ngắn. Rất mong các bạn đón nhận!
Xem các bài viết cùng series:
Du học Thạc sĩ – Phần 1: Chương trình học và trải nghiệm học tập
Du học Thạc sĩ – Phần 3: Kinh nghiệm viết luận Thạc sĩ
Du học Thạc sĩ – Phần 4: Những người bạn tuyệt vời
Du học Thạc sĩ – Phần 5: Cải thiện kỹ năng Đọc và viết Tiếng Anh học thuật