Lúc mình đi học Thạc sĩ, các bài luận môn học luôn là thử thách rất lớn. Mặc dù trước khi du học, mình đã trang bị các kiến thức cơ bản về kỹ năng viết Tiếng Anh học thuật, mình vẫn cực kỳ chật vật trong việc hoàn thành các bài luận.
Đến bây giờ, sau gần 3 năm học sâu hơn về nghiên cứu, mình mới nhận ra những nguyên nhân khiến mình khó khăn trong viết luận, cũng như đúc kết được thêm một số kinh nghiệm để việc viết luận hiệu quả hơn.
Trong bài viết này, mình muốn chia sẻ với các bạn ba kinh nghiệm giúp việc viết các bài luận (hay tiểu luận) môn học trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn. Việc vững vàng phương pháp thực hiện các bài luận nhỏ này là nền tảng cho các bạn thực hiện các nghiên cưus khoa học ở mức độ khó hơn, như luận văn tốt nghiệp và bài báo khoa học.
Hi vọng bài viết sẽ hữu ích đối với các bạn sinh viên, du học sinh, và các bạn thích viết!
1. Các bài luận trong chương trình Thạc sĩ trông như thế nào?
Để các bạn dễ hình dung hơn những điều mình muốn chia sẻ, mình sẽ lấy ví dụ hai đề bài mà mình nhận được trong lúc học Thạc sĩ ngành Quản trị nhân sự (MSc Human Resource Management) tại Ireland.
Hầu hết các môn học đều yêu cầu sinh viên viết một bài luận ngắn thảo luận về một câu nói, hoặc một chủ đề nào đó. Các quan điểm cần được trình bày rõ ràng, logic và có dẫn chứng cụ thể; các dẫn chứng cần được trích từ các tài liệu khoa học hoặc nguồn thông tin đáng tin cậy.
Ví dụ:
- Đề 1: Bạn nghĩ gì về ý kiến sau: “Despite all the talk about HRM, HR specialists are still “Cinderellas” in the senior management team. They don’t belong in the top team because they make no contribution to strategic management”
(𝑇𝑎̣𝑚 𝑑𝑖̣𝑐ℎ: Dù Quản lý nhân sự được nhắc đến rất nhiều, các chuyên gia nhân sự vẫn là những “Cinderella” (cô bé Lọ Lem) trong đội ngũ quản lý cấp cao. Họ không thuộc về đội ngũ cấp cao vì họ không đóng góp gì cho việc quản trị chiến lược)
- Đề 2: “How does the advent of the so-called ‘gig’ economy relate to HRM?”
(𝑇𝑎̣𝑚 𝑑𝑖̣𝑐ℎ: Sự xuất hiện của nền kinh tế “gig” có tác động gì tới Quản lý nhân sự?)
Đọc qua hai đề bài này, các bạn có thể thấy đây là những chủ đề mở, không có đúng-sai. Vậy, cách mình đã thực hiện để hoàn thành các bài luận này là gì?
Cách mình hoàn thành các bài luận môn học
Quá trình viết của mình bao gồm 5 bước:
- Bước 1: Phân tích câu hỏi và tìm hiểu yêu cầu của giáo viên
- Bước 2: Tìm kiếm thông tin
- Bước 3: Lập dàn ý bài viết
- Bước 4: Viết
- Bước 5: Chỉnh sửa
Lúc đi học, mình nghĩ rằng chỉ cần thực hiện đúng năm bước này thì sẽ ra đời một bài luận tốt. Tuy nhiên, sau khi học sâu hơn về kỹ năng nghiên cứu và viết học thuật, mình mới nhận ra rất nhiều sự…ngây thơ và thiếu sót của mình trong cách thực hiện một bài luận. Nếu được quay lại lúc học Thạc sĩ, mình chắc chắn sẽ thay đổi 3 điều sau để việc viết luận trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn.
Ba kinh nghiệm giúp việc viết luận dễ dàng và hiệu quả hơn
1. Chọn nguồn trích dẫn chất lượng
Như mình chia sẻ ở trên, các bài luận yêu cầu sinh viên trình bày quan điểm dựa trên dẫn chứng được trích dẫn từ tài liệu khoa học hoặc nguồn tin đáng tin cậy. Hồi đi học, mình gặp hai khó khăn trong việc tìm tài liệu để đọc và trích dẫn:
(1) không biết phương pháp tìm kiếm tài liệu, và
(2) chọn tài liệu chất lượng kém.
Hệ quả là mình tốn rất nhiều thời gian trong việc tìm thông tin cho bài luận.
Sau này, khi mình có cơ hội được làm việc trong vị trí trợ lý nghiên cứu (Research Assistant) hơn 1 năm, và đặc biệt bước chân vào việc học Tiến sĩ, mình mới được học cách tìm kiếm và chọn lọc tài liệu khoa học một cách bài bản. Mình đã chắt lọc tất cả những kinh nghiệm và kinh nghiệm được học trong video dưới đây. Nếu bạn đang tìm kiếm một hướng dẫn cụ thể và cô đọng về cách tìm kiếm và chọn lọc tài liệu khoa học, thì đây chính là video dành bạn đó!
2. Cách hình thành luận điểm
Ngày trước, mình hay thực hiện các bài luận theo cách sau: Sau khi đọc đề bài, mình sẽ tự đưa ra một số luận điểm dựa trên kiến thức và quan điểm cá nhân, sau đó mình đi tìm các dẫn chứng để bảo vệ cho các luận điểm đó. Đây là cách mình thường sử dụng để hoàn thành các bài tập làm văn hồi học cấp 3, và thậm chí dùng cho cả các bài tiểu luận ở đại học.
Tuy nhiên, đây không phải là cách hiệu quả để viết một bài luận khoa học, đặc biệt ở nền giáo dục phương Tây. Các giáo sư của mình luôn nhắc nhở sinh viên cần đ𝐨̣𝐜 𝐯𝐚̀ 𝐡𝐢𝐞̂̉𝐮 𝐫𝐨̃ 𝐜𝐚́𝐜 𝐧𝐠𝐡𝐢𝐞̂𝐧 𝐜𝐮̛́𝐮 𝐤𝐡𝐨𝐚 𝐡𝐨̣𝐜 𝐥𝐢𝐞̂𝐧 𝐪𝐮𝐚𝐧 đ𝐞̂́𝐧 𝐜𝐡𝐮̉ đ𝐞̂̀ 𝐭𝐫𝐮̛𝐨̛́𝐜, 𝐫𝐨̂̀𝐢 𝐭𝐮̛̀ đ𝐨́ 𝐦𝐨̛́𝐢 𝐱𝐚̂𝐲 𝐝𝐮̛̣𝐧𝐠 𝐥𝐮𝐚̣̂𝐧 đ𝐢𝐞̂̉𝐦 𝐜𝐡𝐨 𝐛𝐚̀𝐢 𝐥𝐮𝐚̣̂𝐧. Nói cách khác, các bạn sẽ không vội vàng đưa ra quan điểm, bình luận, đánh giá nếu chưa đọc và hiểu rõ hết các thông tin xoay quanh chủ đề đó.
Tóm lại, cách làm KHÔNG nên là: “tự đưa ra luận điểm -> đi tìm dẫn chứng để bảo vệ”, mà NÊN là ngược lại: “đi tìm thông tin (dựa trên các nguồn tin cậy) -> xây dựng luận điểm”.
Việc này sẽ khiến các quan điểm đưa ra trong bài luận mang tính khách quan và đa chiều, từ đó nâng cao chất lượng và tính thuyết phục cho bài viết. Đồng thời, cách tiếp cận này cũng khiến việc viết luận trở nên thú vị hơn. Các bạn có thể sẽ tìm thấy—và thậm chí bị thuyết phục—bởi những quan điểm trái ngược hoàn toàn với những suy nghĩ vốn có của bạn.
3. Không đòi hỏi một bài viết hoản hảo ngay từ bản nháp đầu tiên
Hồi đó, mỗi khi viết luận, mình luôn muốn những gì viết ra phải thật hoàn hảo ngay từ bản nháp đầu tiên. Tính “cầu toàn” này khiến mình mất rất nhiều thời gian cho việc viết. Đôi khi ngồi 2-3 tiếng vẫn chưa viết xong câu mở đầu. Đó thực sự không phải là một cách hiệu quả để viết luận!
Mãi sau này khi luyện viết nhiều hơn, mình mới nhận ra, việc có được một bài luận tốt phụ thuộc rất nhiều vào quá trình chỉnh sửa. Sẽ rất khó để có một bài viết hoàn hảo ngay từ bản nháp số 1, số 2; mà phải sau một vài lần chỉnh sửa, mình mới tạo ra được một bài viết tương đối ưng ý. Thậm chí, sau một thời gian dài đọc lại, mình vẫn thấy bài viết hoàn toàn có thể cải thiện tốt hơn. Trong cuốn sách “On writing well” của William Zinsser, tác giả đã chỉ ra rằng: “𝙍𝙚𝙬𝙧𝙞𝙩𝙞𝙣𝙜 𝙞𝙨 𝙩𝙝𝙚 𝙚𝙨𝙨𝙚𝙣𝙘𝙚 𝙤𝙛 𝙬𝙧𝙞𝙩𝙞𝙣𝙜 𝙬𝙚𝙡𝙡” và “𝙒𝙧𝙞𝙩𝙞𝙣𝙜 𝙞𝙨 𝙖𝙣 𝙚𝙫𝙤𝙡𝙫𝙞𝙣𝙜 𝙥𝙧𝙤𝙘𝙚𝙨𝙨, 𝙣𝙤𝙩 𝙖 𝙥𝙧𝙤𝙙𝙪𝙘𝙩”. Mình rất đồng ý với quan điểm này.
Bởi vậy, khi viết luận, các bạn cứ thoải mái trong bản nháp đầu tiên, đừng yêu cầu những gì mình viết phải hoàn hảo, đừng quá bận tâm vào các lỗi diễn đạt, chính tả hay ngữ pháp. Việc này sẽ giúp các bạn hoàn thành bản nháp đầu tiên một cách nhanh chóng. Sau đó, bạn bắt đầu đọc kỹ lại từng câu, từng đoạn, chỉnh sửa cách diễn đạt, chính tả, và ngữ pháp. Đ𝐚̂𝐲 𝐦𝐨̛́𝐢 𝐥𝐚̀ 𝐥𝐮́𝐜 𝐛𝐚̣𝐧 𝐜𝐚̂̀𝐧 𝐭𝐡𝐚̣̂𝐭 𝐬𝐮̛̣ 𝐧𝐠𝐡𝐢𝐞̂𝐦 𝐤𝐡𝐚̆́𝐜 𝐯𝐨̛́𝐢 𝐧𝐡𝐮̛̃𝐧𝐠 𝐠𝐢̀ 𝐛𝐚̣𝐧 𝐯𝐢𝐞̂́𝐭 𝐫𝐚. Việc chỉnh sửa này nên được diễn ra vài lần, bởi mình tin rằng cứ mỗi lần đọc lại sẽ cho các bạn một cái nhìn mới về bài viết của mình. Phương pháp này không những giúp quá trình thực hiện bài luận hiệu quả mà còn giúp bạn đạt được một bài viết với chất lượng tốt.
Đó là ba kinh nghiệm mình đúc kết được để giúp việc viết luận hiệu quả hơn. Điều cuối cùng mình muốn nhắn nhủ là: 𝐯𝐢𝐞̂́𝐭 𝐡𝐨̣𝐜 𝐭𝐡𝐮𝐚̣̂𝐭 𝐥𝐚̀ 𝐦𝐨̣̂𝐭 𝐜𝐨̂𝐧𝐠 𝐯𝐢𝐞̣̂𝐜 𝐤𝐡𝐨́, đ𝐨̀𝐢 𝐡𝐨̉𝐢 𝐯𝐢𝐞̣̂𝐜 𝐭𝐡𝐮̛̣𝐜 𝐡𝐚̀𝐧𝐡 𝐯𝐚̀ 𝐡𝐨̣𝐜 𝐡𝐨̉𝐢 𝐭𝐫𝐨𝐧𝐠 𝐦𝐨̣̂𝐭 𝐭𝐡𝐨̛̀𝐢 𝐠𝐢𝐚𝐧 𝐝𝐚̀𝐢. Thậm chí, các sinh viên PhD và các giáo sư cũng phải liên tục rèn luyện và cải thiện kỹ năng viết của mình, nên các bạn đừng quá áp lực nếu chất lượng bài viết chưa như ý. Cứ chăm chỉ luyện tập, chắc chắn các bạn sẽ nhìn thấy sự tiến bộ của bản thân!
Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết của mình. Nếu các bạn mong muốn được chia sẻ thêm về chủ đề gì, đừng ngại nhắn cho mình nhé.
Note: Bài viết này được sản xuất để đăng trên Facebook page Tea with Tâm, nên ngôn ngữ và cách trình bày tương đối đơn giản để phù hợp với xu hướng đọc của khán giả trên nền tảng này. Từ tháng 10/2023, website Tea with Tâm ra đời, với mong muốn mang tới những bài viết chi tiết và có chiều sâu hơn, song song các bài viết ngắn. Rất mong các bạn đón nhận!
Xem các bài viết cùng series:
Du học Thạc sĩ – Phần 1: Chương trình học và trải nghiệm học tập
Du học Thạc sĩ – Phần 2: Cách làm việc với giáo sư hướng dẫn
Du học Thạc sĩ – Phần 4: Những người bạn tuyệt vời
Du học Thạc sĩ – Phần 5: Cải thiện kỹ năng Đọc và viết Tiếng Anh học thuật