Trong một ngày, chúng ta tiếp cận với một lượng thông tin khổng lồ đến từ nhiều nguồn khác nhau: trường học, nơi làm việc, bạn bè, gia đình, cộng đồng, internet và mạng xã hội. Khi có quá nhiều thông tin được tiếp nhận mỗi ngày, rõ ràng não bộ của chúng ta không thể nào ghi lại được hết.
Các bạn đã bao giờ rơi vào trong một trong hai trường hợp này giống mình chưa?
Một ngày đẹp trời, mình chợt nhớ đến một thông tin rất hay mà (có lẽ) đã từng đọc hoặc nghe qua, nhưng mình không tài nào nhớ ra được thông tin đó nằm ở đâu. Mình lục tung internet và các trang mạng xã hội với hi vọng sẽ tìm thấy thông tin đó, nhưng cuối cùng vẫn không thể tìm ra.
Hay hồi ôn thi IELTS, mình rất hay lưu các bức ảnh chứa các cụm từ Tiếng Anh về điện thoại để lúc nào tiện thì mở ra xem. Nhưng đến lúc thi xong rồi mình mới nhận ra có hàng trăm bức ảnh từ vựng mình chưa bao giờ đọc lại, thậm chí có những ảnh mình lưu đi lưu lại tận 2-3 lần vì không nhớ rằng đã từng đọc qua.
Trải qua vài chục lần như vậy, mình nhận ra rằng mình cần thay đổi cách lưu trữ thông tin, nếu muốn ghi nhớ và ứng dụng chúng một cách hiệu quả. Sau hơn 5 năm thay đổi, khối lượng kiến thức mình ghi nhớ được đã tăng lên rất nhiều, thời gian tìm kiếm lại thông tin đã học cũng được rút ngắn đáng kể. Không chỉ vậy, mình còn có thể ứng dụng được các kiến thức đã học vào các công việc khác nhau trong cuộc sống.
Tất cả nhờ vào việc hình thành 3 thói quen, cũng là 3 bước mình thực hiện mỗi khi học được một kiến thức mới: (1) luôn ghi chép lại thông tin, (2) thường xuyên đọc lại các ghi chép, và (3) tìm nơi để ứng dụng các thông tin đã ghi chép.

Thói quen 1: Luôn ghi chép lại thông tin
Việc ghi chép kiến thức được học ở trường, lớp, hay nơi làm việc là điều hầu hết chúng ta đều đã thực hiện. Nhưng có lẽ không phải ai cũng ghi chép lại các mẩu thông tin mà chúng ta ngẫu nhiên bắt gặp khi đang lướt mạng xã hội, hay khi nói chuyện với một ai đó. Nhiều người, trong đó có mình, sử dụng cách chụp ảnh, hoặc lưu lại các mẩu thông tin đó vào các thư mục lưu trữ (Saved) trên điện thoại, máy tính hay mạng xã hội. Nhưng nếu chúng ta không thường xuyên mở ra xem lại, thì khả năng cao các thông tin đó cũng sẽ trôi vào quên lãng.
Bởi vậy, mình đã tập thói quen 𝐠𝐡𝐢 𝐜𝐡𝐞́𝐩 𝐥𝐚̣𝐢 𝐦𝐨̣𝐢 𝐭𝐡𝐨̂𝐧𝐠 𝐭𝐢𝐧 𝐦𝐚̀ 𝐦𝐢̀𝐧𝐡 𝐦𝐮𝐨̂́𝐧 đ𝐮̛𝐨̛̣𝐜 𝐠𝐡𝐢 𝐧𝐡𝐨̛́ 𝐯𝐚̀ 𝐬𝐮̛̉ 𝐝𝐮̣𝐧𝐠 𝐬𝐚𝐮 𝐧𝐚̀𝐲. Các bạn có thể ghi chép với sổ, bút, hoặc sử dụng ứng dụng ghi chú (note-taking apps) phù hợp với mục đích và phong cách ghi chép của bạn. Lý tưởng nhất là các bạn chọn được 1 ứng dụng phù hợp cho nhiều mục đích sử dụng của bạn, và lưu trữ tất cả các ghi chú tại đó.
Bản thân mình cũng đã trải nghiệm nhiều loại ứng dụng khác nhau (ví dụ: Word/Google Doc, Apple Notes, Notion, Evernote, OneNote, và Obsidian) và chọn ra được một số ứng dụng phù hợp. Hiện tại, do tính chất các công việc mình đang làm tương đối khác nhau, nên mình đang sử dụng 3 ứng dụng sau cho việc ghi chép:
Apple Notes (hoặc bất cứ ứng dụng ghi chép miễn phí trên điện thoại/máy tính của bạn)
Apple Notes là ứng dụng chính mình sử dụng cho việc ghi chép các mẩu thông tin ngắn và các suy nghĩ, ý tưởng của mình.
Ứng dụng này rất phù hợp với việc ghi chép mọi lúc, mọi nơi, bởi nó nhanh, thao tác ghi chép đơn giản, và đặc biệt, có thể đồng bộ trên cả điện thoại và máy tính của mình. Bất cứ khi nào bắt gặp một thông tin hay, hay nảy ra một suy nghĩ nào đó, mình sẽ ghi lại trên ứng dụng này.
Thường các ghi chép trên Apple Notes là những mẩu tin rời rạc với nhiều chủ đề khác nhau, và chưa liên kết với các nhóm kiến thức mình có trước đó. Bởi vậy, đối với các ghi chép trên ứng dụng này, mình sẽ cần làm thêm một bước, đó là 𝐩𝐡𝐚̂𝐧 𝐥𝐨𝐚̣𝐢 𝐯𝐚̀ 𝐬𝐚̆́𝐩 𝐱𝐞̂́𝐩 𝐜𝐚́𝐜 𝐠𝐡𝐢 𝐜𝐡𝐮́ 𝐫𝐨̛̀𝐢 𝐫𝐚̣𝐜 𝐧𝐚̀𝐲 𝐯𝐞̂̀ 𝐜𝐚́𝐜 𝐡𝐞̣̂ 𝐭𝐡𝐨̂́𝐧𝐠 𝐥𝐮̛𝐮 𝐭𝐫𝐮̛̃ 𝐩𝐡𝐮̀ 𝐡𝐨̛̣𝐩.
Cụ thể, mỗi ngày mình thường dành ra khoảng 15 phút để sắp xếp, phân loại và chuyển các ghi chú trên Apple Notes về hai ứng dụng ghi chú khác: OneNote và Notion. Đây là hai ứng dụng chứa các ghi chép mình sử dụng trong dài hạn.
Lí do mình cần phải sử dụng thêm hai ứng dụng khác, thay vì chỉ sử dụng mỗi Apple Notes, là vì mình có quá nhiều thông tin phục vụ cho tất cả các công việc mình đang làm. Khi lưu trữ trên Apple Notes, mình cảm thấy khó kiểm soát và tìm kiếm thông tin mỗi khi cần. Bởi vậy, sử dụng thêm 2 kho lưu trữ ghi chú giúp mình đỡ “ngợp” khi xử lý thông tin.

Apple Notes: nơi mình lưu trữ mọi thông tin trước khi phân loại và xử lý
OneNote
OneNote là mình lưu trữ các kiến thức liên quan đến việc học PhD và các dự án học hành nói chung.
Lí do mình chọn ứng dụng này là vì giao diện của trang ghi chú hệt như một tờ giấy trắng khổng lồ, mình có thể viết, vẽ ở bất cứ đâu trên đó (khác với các ứng dụng khác là mình chỉ có thể enter xuống dòng). Bởi vậy, ứng dụng này cực kỳ phù hợp cho việc ghi chú lúc học tập và brainstorm. Ngoài ra, mình cũng có thể sắp xếp các ghi chép một cách khoa học, dễ nhìn.

Notion: nơi mình lưu trữ các dự án học hành nói chung
Notion
Notion là nơi mình lưu trữ các ghi chép ở các lĩnh vực khác, bao gồm các dự án cá nhân, các kiến thức phát triển bản thân, hay ý tưởng viết blog.
Điểm mình thích nhất ở Notion là khả năng lưu trữ và trình bày thông tin dưới nhiều dạng khác nhau, màu sắc và hình ảnh cũng rất đẹp, hiện đại. Một kho lưu trữ ghi chú gọn gàng, thích mắt cũng sẽ góp phần phục vụ cho trong việc nâng cao khả năng ghi nhớ và ứng dụng thông tin.

Notion: nơi mình lưu trữ các dự án cá nhân, phát triển bản thân và ý tưởng blog
Mặc dù mình thấy rất thoải mái và tiện lợi với việc ghi chép và quản lý hệ thống ghi chú hiện tại, mình vẫn luôn mong muốn trong tương lai có thể giảm bớt số lượng các ứng dụng cần dùng, chỉ cần tập trung 1-2 ứng dụng phù hợp nhất, đáp ứng được nhiều mục đích khác nhau.
Thói quen 2: Thường xuyên đọc lại các ghi chép
Chăm chỉ ghi chép thông tin thôi chưa đủ. Để ghi nhớ các thông tin đó, chúng ta cần thường xuyên đọc lại các ghi chép của bản thân.
Ở thời gian đầu, mình ghi chép cực kỳ chăm chỉ, nhưng chỉ dừng lại ở bước lưu trữ mà không hề ngó ngàng gì tới các ghi chép của mình trong một thời gian rất dài. Kết quả là ghi chép mới cứ ngày một nhiều lên, mà kiến thức từ ghi chép cũ vẫn chưa được lưu vào bộ não. Thành ra nhìn vào lượng ghi chú thì đồ sộ thật đấy, nhưng mình chẳng nhớ được bao nhiêu trong số đó.
Bởi vậy, khoảng vài năm trở lại đây, mình luôn sắp xếp thời gian để đọc lại các ghi chép của mình từ 2-3 lần trở lên.
Thói quen 3: Tìm nơi ứng dụng các kiến thức đã ghi chép
Sau khi đã hình thành được một kho lưu trữ kiến thức và thường xuyên đọc lại chúng, việc tiếp theo chúng ta có thể làm đó là tìm nơi để ứng dụng kiến thức. Trong quá trình đọc lại các ghi chú, mình luôn suy nghĩ rằng: kiến thức này có thể dùng được trong hoàn cảnh nào? Cho mục đích gì? Dành cho ai? Sau đó, mình tìm cách đưa các kiến thức đó vào các dự án cá nhân, như xây dựng các chương trình đào tạo/mentoring, viết bài trên blog, hay soạn thảo nội dung podcast (Bật mí với các bạn là mỗi khi bị “bí” ý tưởng viết blog, mình lại “lục lọi” các ghi chép của mình để lấy cảm hứng). Hoặc đôi khi đơn giản là mình đề cập đến thông tin đó khi nói chuyện với bạn bè, gia đình.
Việc tìm được nơi ứng dụng cho các kiến thức đã thu lượm được sẽ giúp bạn ghi nhớ chúng lâu hơn, và hơn thế, tạo ra thêm nhiều giá trị mới cho bản thân và cộng đồng.
Kết
Chăm chỉ ghi chép, thường xuyên đọc lại và tìm nơi ứng dụng chúng – 3 thói quen rất đơn giản đúng không? Mình hi vọng rằng kinh nghiệm này sẽ giúp ích được chút gì đó cho các bạn trong việc ghi nhớ và sử dụng hiệu quả thông tin trong thời đại hiện nay.
Nếu các bạn có thêm “bí kíp” nào khác thì cho mình biết với nhé. Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết ♥️
Note: Bài viết này được sản xuất để đăng trên Facebook page Tea with Tâm, nên ngôn ngữ và cách trình bày tương đối đơn giản để phù hợp với xu hướng đọc của khán giả trên nền tảng này. Từ tháng 10/2023, website Tea with Tâm ra đời, với mong muốn mang tới những bài viết chi tiết và có chiều sâu hơn, song song các bài viết ngắn. Rất mong các bạn đón nhận!