Mấy hôm nay Facebook của mình tràn ngập thông tin hai bộ phim mới ra mắt về cuộc đời cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ở xa không đi xem được nên mình cũng tò mò lắm. Tự nhiên hôm nay nghĩ lại, những dấu mốc cuộc đời mình đi qua đều có dấu ấn của nhạc Trịnh.
Mình may mắn lớn lên trong gia đình có bố và mẹ đều yêu thích nhạc Trịnh. Từ lúc 6 tuổi, mình đã được nghe các ca khúc của Trịnh Công Sơn từ đầu đĩa CD gần như mỗi ngày. Mình nghe nhiều đến mức vô thức thuộc hơn 50 ca khúc. Mỗi lần bố mẹ hát câu đầu tiên của một ca khúc bất kỳ, đầu mình sẽ “nhảy số” luôn các câu hát tiếp theo, mặc dù có thể chẳng biết tên bài hát đó. Thuộc nhiều bài là thế, nhưng đầu óc non nớt của mình lúc đó không hiểu được ý nghĩa của chúng là gì. Mình chỉ thấy bài nào cũng mang đến một cảm giác buồn man mác.
Lớn hơn một chút, tầm 9-10 tuổi, mình bắt đầu cảm nhận rõ ràng hơn về giai điệu và ý nghĩa ca từ. Nhạc Trịnh trở thành “tín hiệu” để mình nhận biết tâm trạng vui hay buồn của bố mẹ. Những ngày nhiều tâm sự, mẹ mình hay hát các bài hát buồn như “Tình nhớ”, “Phôi pha”, “Ru em từng ngón xuân hồng”, “Một cõi đi về”, “Đêm thấy ta là thác đổ”… Còn những ngày có chuyện vui, mẹ thường hát “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui”, “Hạ trắng”, “Nắng thuỷ tinh”… Bố mình thì thường chỉ hát lúc vui thôi. Nhạc Trịnh những năm đó chính là sợi dây kết nối cảm xúc của mình với bố mẹ.

Khi mình lên cấp ba, ca từ trong nhạc Trịnh và những câu nói nổi tiếng của cố nhạc sĩ thường được mình đưa vào trong các bài viết nghị luận văn học và xã hội. Ngôn từ trong các ca khúc nhạc Trịnh Công Sơn dường như có thể tạo nên một cuốn từ điển về tâm trạng con người. Mình luôn tìm thấy những cách diễn đạt đầy chất thơ về bất cứ cung bậc cảm xúc nào trong nhạc Trịnh.
Năm 22-23 tuổi, tốt nghiệp Đại học và chập chững vào đời, nhạc Trịnh là người bạn tinh thần vỗ về mình những lúc buồn bã, thất vọng. Giờ đây mình đã có thể hiểu được phần nào những suy tư, dằn vặt trong các câu hát đã nghêu ngao từ thuở bé. Nhiều bài hát như “Còn tuổi nào cho em”, “Tuổi đá buồn”, “Đêm thấy ta là thác đổ”, “Diễm xưa”… đã an ủi và chữa lành nhiều vết thương lòng trong những năm tháng tuổi trẻ dại khờ của mình.
Đến bây giờ, nhạc Trịnh vẫn là người bạn thân thiết của mình. Mình không còn chỉ nghe và hát nhạc Trịnh lúc buồn nữa, mà kể cả lúc vui, lúc nhớ nhà, hoặc lúc muốn tìm một khoảng lặng giữa cuộc sống vồn vã.
Mình luôn thầm cảm ơn bố mẹ đã cho mình được bước vào thế giới âm nhạc đầy kỳ diệu của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từ những năm tháng ấu thơ.
Cảm ơn các bạn đã ghé thăm blog và lắng nghe câu chuyện của mình. Nếu bạn cũng có những kỷ niệm với nhạc Trịnh, hoặc với một người nhạc sĩ/ca sĩ/bài hát nào đó, mình rất mong được nghe chia sẻ của bạn ♥️
Note: Bài viết này được sản xuất để đăng trên Facebook page Tea with Tâm, nên ngôn ngữ và cách trình bày tương đối đơn giản để phù hợp với xu hướng đọc của khán giả trên nền tảng này. Từ tháng 10/2023, website Tea with Tâm ra đời, với mong muốn mang tới những bài viết chi tiết và có chiều sâu hơn, song song các bài viết ngắn. Rất mong các bạn đón nhận!