Hôm trước có một bạn hỏi mình “Người châu Á có bị kỳ thị khi đi du học ở Ireland không?”. Nghĩ lại thì trong khoảng hơn 3 năm sống ở Ireland, có hai lần mình cảm nhận được việc có thể đang bị phân biệt chủng tộc một cách trực diện. Mình dùng từ “có thể” vì mình cũng không rõ người đối diện cố tình hay vô ý thể hiện hành động phân biệt, hay là do mình nhạy cảm quá. Cả hai lần đều diễn ra trong đợt COVID-19 mới bùng nổ ở Ireland.
Lần đầu tiên là hồi COVID vừa bùng nổ khoảng 3 tháng (6/2020), trong một lần mình đứng thanh toán ở siêu thị. Lúc đó mình đứng hơi gần cái buồng của chị thu ngân (có tấm chắn khá cao để bảo vệ), thì chị bảo mình đứng xa chỗ của chị ra với thái độ hơi gay gắt. Trong khi cách đó 30 giây chị vừa “tám” chuyện rất nhiệt tình với mấy khách hàng khác (người bản địa) thông qua tấm chắn đó.
Lúc đó mình hơi shock vì không rõ vừa làm sai điều gì; khẩu trang đeo kín, cũng chưa nói năng gì cả. Phải nói thêm là mình đi mua đồ ở siêu thị đó bao nhiêu lần chưa bao giờ gặp trường hợp đó cả. Các anh chị thu ngân luôn thân thiện, xởi lởi, vừa thanh toán vừa nói chuyện rất vui vẻ. Nhưng duy nhất lần đó thì mình cảm thấy thái độ hơi khác.
Lần thứ hai cũng vẫn trong đợt COVID. Đợt đó mấy anh chị em người Việt cùng nhau đi chơi ở một thành phố khác, thì bị bác tài xế gây khó dễ không cho lên xe, trong khi các hành khách người bản địa khác thì được lên xe như bình thường. Lí do cụ thể thì mình cũng không còn nhớ nữa. Chỉ nhớ là sau khi “đấu tranh” một lúc vẫn không được nên bọn mình phải tìm cách di chuyển khác.
Chắc các bạn cũng biết trong đợt COVID, vấn nạn kỳ thị người châu Á diễn ra ở khắp mọi nơi. Thế nên có khả năng hai lần đó mình đã bị phân biệt vì là người châu Á.

Ngoại trừ hai lần trường hợp vừa rồi, mình may mắn luôn được đối xử tử tế và được giúp đỡ nhiệt tình, kể cả trong việc sống, học tập ở Ireland và trong khi đi du lịch đến các nước châu Âu khác. Từ bạn bè, đồng nghiệp, đến những người mình lạ tình cờ gặp trên đường, ai cũng vui vẻ và mở lòng đón nhận mình.
Tất nhiên, đây là trải nghiệm cho đến hiện tại của riêng bản thân mình mà thôi. Mình cũng xác định tinh thần khi đã lựa chọn sống ở nơi đất khách quê người, việc bị phân biệt hoặc đối xử không công bằng hoàn toàn có thể xảy ra. Mình không thể kiểm soát được việc sẽ có người này người kia có định kiến về mình. Điều mình có thể kiểm soát đó là sống ra sao, cư xử như thế nào để ít nhất là mọi người trong môi trường mình học hành, sinh sống tôn trọng mình và dân tộc mình.
Mình nhận ra điều này khi có cơ hội được gặp gỡ những người châu Á đã sinh sống và làm việc ở Ireland nhiều năm. Cho dù hình dáng, nước da, màu tóc không giống người bản địa, thậm chí giọng nói vẫn còn nguyên ngữ điệu của nơi họ sinh ra, họ vẫn rất thành công trong công việc và được mọi người xung quanh yêu mến, kính trọng.
Mình rất khâm phục họ, bởi không dễ gì để giữ được sự tự tin với bản sắc cá nhân và tinh thần dân tộc khi ở một nơi mà bản thân thuộc nhóm thiểu số. Ngày mới sang Ireland du học, mình hay cảm thấy mặc cảm về bản thân. Mình thấy vóc dáng của mình không được cao lớn, thần thái như các bạn “Tây”. Mình tự ti vì giọng Tiếng Anh không chuẩn như bản xứ. Rồi cách nói năng, giao tiếp của các bạn cũng khác biệt hoàn toàn. Mình chật vật suốt một thời gian dài vì không biết nên giữ những gì vốn có của mình, hay thay đổi để giống như số đông các bạn ở đây.
Nhưng, theo thời gian, mình nhận ra rằng mình không thể nào giống như họ được, vì toàn bộ con người mình được hình thành nên bởi văn hoá, cốt cách của gia đình mình, dân tộc mình. Thay vì vậy, mình hãy cứ là chính mình, mặc những trang phục phù hợp với vóc dáng của mình, để màu tóc phù hợp với nước da của mình, và tự tin với giọng nói của mình. Khi mình tự tin với chính sự khác biệt của bản thân, đi cùng với thái độ làm việc tốt và cách đối xử tử tế, thì mọi người – ở bất kỳ sắc tộc nào – đều tôn trọng mình cả.
Để bàn về chuyện bản sắc cá nhân khi sống ở môi trường đa văn hoá thì có lẽ mình sẽ nói kỹ hơn trong một dịp khác. Mình hi vọng bài viết này của mình có thể mang tới thêm cho mọi người một góc nhìn về chuyện đi du học và làm việc ở xứ người.
Mình cũng mong rằng các bạn du học sinh sẽ luôn tự tin với bản sắc của chính mình, của dân tộc mình.
Note: Bài viết này được sản xuất để đăng trên Facebook page Tea with Tâm, nên ngôn ngữ và cách trình bày tương đối đơn giản để phù hợp với xu hướng đọc của khán giả trên nền tảng này. Từ tháng 10/2023, website Tea with Tâm ra đời, với mong muốn mang tới những bài viết chi tiết và có chiều sâu hơn, song song các bài viết ngắn. Rất mong các bạn đón nhận!