Vậy là đã tròn 6 tháng mình bước chân vào hành trình học Tiến sĩ. Mình từng nói với bố mẹ rằng, học Tiến sĩ hội tụ 3 điều mà mình từng rất sợ phải làm: viết Tiếng Anh, thuyết trình Tiếng Anh, và networking với người nước ngoài. Tựu trung lại là các vấn đề liên quan đến kỹ năng giao tiếp bằng Tiếng Anh qua nói và viết, điều mà mình mới chỉ luyện tập trong 5 năm trở lại đây. Thế nên, trong thời gian vừa rồi, mình quyết tâm học cách đối mặt và cải thiện những điểm yếu kia. Và đây là 7 điều mình đã học.
1. Đọc và viết Tiếng Anh học thuật
Trong kỳ vừa rồi, 70% thời gian mình dành cho việc đọc tài liệu và viết những bản nháp đầu tiên cho nghiên cứu của mình. Chủ đề nghiên cứu của mình liên quan đến niềm tin của con người đối với các thiết bị trí tuệ nhân tạo (Trust in AI). Chủ đề này trước đây mình chưa từng tìm hiểu, nên mình cần tích cực đọc các bài báo khoa học, sách, và tin tức để hiểu thêm về nó. Sau khi đọc xong, mình sẽ viết các bản nháp để tổng hợp lại những điều đã đọc. Quá trình viết quả thực không dễ dàng với mình. Mình nhận ra cái khó nhất không phải là viết bằng Tiếng Anh, mà là làm sao để trình bày luận điểm của mình một cách dễ hiểu, mạch lạc và logic nhất. Phần lớn thời gian của mình là suy nghĩ về luận điểm; kể cả lúc nấu ăn hay đi tắm mình cũng hay nghĩ về nó. Đến lúc các ý tưởng được xâu chuỗi lại với nhau, việc viết ra dễ dàng hơn rất nhiều. Sau 6 tháng, mình đã viết hai bản nháp cho hai vấn đề lớn trong nghiên cứu của mình.
2. Kể một câu chuyện hay về dự án của mình
Một trong những việc nghiên cứu sinh thường xuyên phải làm là giới thiệu về nghiên cứu của mình một cách dễ hiểu, ấn tượng và phù hợp với các nhóm đối tượng người nghe cụ thể. Nôm na là biết cách kể chuyện. Mình đang tập thuyết trình về đề tài của mình trong thời gian 30 giây, 2 phút, và 15 phút. Bài nói trong 30 giây và 2 phút để dành cho việc giới thiệu ngắn về bản thân khi đi gặp gỡ bạn bè hoặc networking tại hội thảo. Còn bài nói 15 phút dành cho những cơ hội được thuyết trình tại hội thảo.
Tháng 5 vừa rồi, mình đã thuyết trình về nghiên cứu lần đầu tiên tại trường. Sau lần đó, mình nhận ra vài nhược điểm của mình khi thuyết trình, ví dụ như hay bị hụt hơi, run và hồi hộp khi bắt đầu thuyết trình, hoặc nói nhanh. Hầu hết là các vấn đề liên quan đến tâm lý và cột hơi. Do vậy thời gian này mình đang luyện cách lấy hơi thở khi nói. Thời gian tới mình sẽ chia sẻ kỹ hơn về điều này nếu mọi người quan tâm.
3. Kết nối với mọi người tại hội thảo/sự kiện networking
Khi đi học ở Ireland, việc bắt chuyện với người lạ, đặc biệt tại các buổi hội thảo hoặc sự kiện networking từng là nỗi sợ của mình. Mình cảm thấy không tự tin khi thực hiện small talks (tạm dịch là mẩu đối thoại ngắn) với người nước ngoài vì văn hoá nói chuyện có nhiều khác biệt với Việt Nam. Sau một thời gian quan sát thì mình nhận ra vấn đề chủ yếu đến từ sự thiếu tự tin của chính mình. Mình đã học một số mẫu câu nói chuyện từ các videos dạy về small talks bằng Tiếng Anh, sau đó luyện tập dần với bạn bè của mình. Mình cũng mạnh dạn tham gia một số buổi networking và tích cực bắt chuyện với người lạ ở hội thảo để làm quen dần. Rất may mắn là mọi người mình gặp đều cực kỳ thân thiện và vui vẻ, nên một lát mình đã quên ngay nỗi lo lắng ban đầu. Mình vẫn cần phải rèn luyện thêm kỹ năng này rất nhiều, nhưng những dịp vừa rồi đã củng cố động lực thêm cho mình.
Ngoài việc học cách từng bước khắc phục 3 điểm yếu trên, mình cũng học được thêm một số kỹ năng mới.
4. Kỹ năng quản lý một dự án dài hơi
Đây là lần đầu tiên trong cuộc đời mình quản lý và thực hiện một dự án dự kiến sẽ kéo dài trong khoảng 3-4 năm. Giáo viên hướng dẫn nói rằng mình chính là “leader” và “project manager” cho chính dự án của mình. Bởi vậy gần như mọi kỹ năng liên quan đến quản lý dự án, mình đều cần phải rèn luyện.
5. Sắp xếp công việc
Mình học cách phân bổ công việc phù hợp với deadlines và khả năng tập trung của bản thân. Khi học Tiến sĩ, thời gian làm việc và làm cái gì là do mình hoàn toàn quyết định. Bởi vậy, mình cố gắng rèn tính kỷ luật để theo kịp các mục tiêu mình đặt ra. Ví dụ, tập trung làm việc vào giờ hành chính, buổi tối dành thời gian để tập thể dục, nấu ăn, giải trí hoặc học cái gì đó nhẹ nhàng.
Về mặt công việc, mình cũng nhận ra cần đa dạng hoá và xen kẽ các đầu công việc để tránh bị chán hoặc “tẩu hoả nhập ma” khi phải làm một việc quá lâu. Có mấy lần mình hùng hục viết cả ngày liên tục và kết quả là mình bị đau đầu nguyên tối, mà chất lượng bài lại không tốt. Từ đó mình xen kẽ vài ngày đọc, vài ngày viết, thỉnh thoảng mình nghỉ một ngày đi gặp gỡ nói chuyện với mọi người cho đầu óc thông thoáng. Thời gian tới có thêm nhiều việc bên lề nữa nên chắc lịch làm việc của mình sẽ đa dạng hơn.
6. Tận hưởng những thành tựu nho nhỏ (small wins)
Mình xác định rõ học Tiến sĩ và hoàn thành dự án nghiên cứu là một hành trình dài tính bằng năm, nên mình cần duy trì ngọn lửa động lực của mình cháy liên tục trong suốt hành trình đó. Một trong những cách mình được khuyên là tận hưởng những thành tựu nho nhỏ của mình. Bản nháp đầu tiên của một phần nhỏ trong nghiên cứu, bài thuyết trình đầu tiên, lời mời thuyết trình hội thảo đầu tiên, lần networking đầu tiên… Sau tất cả những lần đầu tiên đấy, mình đều tự thưởng cho mình vài giờ nghỉ ngơi, một bó hoa, hoặc một bữa ăn ngon. Để rồi sáng mai, mình lại tiếp tục hướng tới những mục tiêu mới.
7. Hiểu rõ hơn mình là ai và mình muốn gì
Sau khi học xong Thạc sĩ, mình đã mất gần 2 năm để xác định hướng đi tiếp theo của bản thân. Khi mình nộp học bổng Tiến sĩ, mình vẫn băn khoăn liệu đây có phải là một lựa chọn đúng. Sáu tháng vừa rồi đã giúp mình hiểu rõ hơn về bản thân mình và hướng đi nghề nghiệp sắp tới. Đó là điều mà giáo sư hướng dẫn đã nói với mình trong buổi họp đầu tiên: “Tâm, mục tiêu của em là trở thành một chuyên gia trong chủ đề em đang làm. Khi người ta nhắc đến chủ đề này, một trong những cái tên họ nghĩ đến là em”. Mình không dám nói trước tương lai, nhưng ít nhất trong thời điểm này, mình sẽ cố gắng hiện thực hoá mục tiêu đó.
Cảm ơn bạn đã ghé thăm blog và lắng nghe câu chuyện của mình. Thời gian tới mình sẽ gửi đến những chia sẻ chi tiết hơn về các kỹ năng mình đã học được khi học Tiến sĩ cũng như những câu chuyện cuộc sống tại Ireland của mình.
Chúc bạn tháng mới thật vui!
Note: Bài viết này được sản xuất để đăng trên Facebook page Tea with Tâm, nên ngôn ngữ và cách trình bày tương đối đơn giản để phù hợp với xu hướng đọc của khán giả trên nền tảng này. Từ tháng 10/2023, website Tea with Tâm ra đời, với mong muốn mang tới những bài viết chi tiết và có chiều sâu hơn, song song các bài viết ngắn. Rất mong các bạn đón nhận!