Hello mọi người, mình gần như biến mất khỏi mạng xã hội hơn một tuần qua để tập trung cho một số công việc mới. Tự nhiên một tuần không viết blog mình lại thấy nhơ nhớ nên lại ngoi lên update một chút cuộc sống với mọi người nè
1. “Em chưa tự tin vào chính mình”
Mình vừa hoàn thành một buổi họp quan trọng với giáo viên hướng dẫn của mình. Hiện tại mình thường họp với cô khoảng 1.5 tháng một lần, nhằm review những việc đã làm và kế hoạch sắp tới. Ngoài ra, nếu mình có vấn đề gì có thể giải quyết nhanh gọn thì chỉ cần viết email cho cô. Ở buổi họp vừa rồi, cô chỉ ra một vấn đề lớn trong cách viết của mình: “Cô có thể thấy được em chưa tự tin vào chính mình. Bài viết của em giống một bài báo cáo, đơn thuần đưa ra thông tin chứ chưa có tiếng nói cá nhân của em trong đó.” Quả thực, mình không hề tự tin trong việc đưa ra ý kiến trong bài viết. Điều này cũng phản ánh luôn sự thiếu tự tin của mình ngoài đời trong thời điểm hiện tại. Mình luôn cảm giác mới làm nghiên cứu chưa được bao lâu nên chưa đủ để nêu ý kiến về các vấn đề chuyên môn.
2. Nhóm nghiên cứu mới
Mình được mời tham gia “sinh hoạt” với một nhóm có tên TrustLAB, bao gồm các giáo sư và sinh viên PhD nghiên cứu về “Trust” (niềm tin) đến từ nhiều trường Đại học khác nhau. Nhóm sẽ họp 6 tuần một lần. Mỗi buổi họp sẽ có 1-2 người trình bày về đề tài nghiên cứu của họ, sau đó các thành viên trong nhóm cùng thảo luận để giải quyết các câu hỏi mà người thuyết trình chưa giải quyết được. Lần đầu tiên mình tham gia một buổi thảo luận chuyên môn mà tất cả mọi người đều cố gắng chia sẻ kiến thức vì mục tiêu giúp đỡ người thuyết trình, chứ không phải để “quảng cáo” về bản thân. Và cũng lần đầu tiên mình cảm nhận được giá trị của việc nghiên cứu bấy lâu nay: mình đã có thể sử dụng kiến thức và kinh nghiệm để giúp đỡ mọi người.
3. Thử thách mới
Giữa tháng 7 năm nay mình cần nộp một bài viết nghiên cứu với độ dài tối đa 8000 chữ. Tuy nhiên, giáo viên hướng dẫn của mình sẽ… “nghỉ hè” cả tháng 7, nên mình cần hoàn thành luôn bản nháp ở mức độ gần như hoàn thiện vào cuối tháng 6 để cô có thời gian đánh giá và góp ý cho bài viết. Vậy là mình chỉ có khoảng hai tuần để viết. Khối lượng công việc cho việc viết một bài nghiên cứu khoa học không hề đơn giản, nên thời lượng hai tuần khá thử thách. Mình cũng muốn nhân dịp này kiểm chứng lại một số vấn đề liên quan đến hiệu suất làm việc, ví dụ thời lượng có thể làm việc tập trung, thời điểm làm việc hiệu quả, cách sắp xếp công việc phù hợp với mình… Đây cũng có thể là một chủ đề mình sẽ chia sẻ với mọi người trong thời gian tới.
4. Chuyến du lịch mới
Mặc dù khá bận rộn nhưng mình vẫn tranh thủ có một chuyến du lịch trong ngày vào cuối tuần vừa rồi. Mình đi một tour du lịch quanh Bắc Ai-len (Northern Ireland) và tham quan bảo tàng Titanic Belfast. Đúng là “đi một ngày đàng, học một sàng khôn” các bạn ạ. Sau chuyến đi này, mình thấy mình còn phải học nhiều về kiến thức lịch sử, văn hoá, xã hội các quốc gia mình từng đến.
Chiếc ảnh hiếm hoi trong chuyến đi Northern Ireland, vì gió siêu to nên khó chụp ảnh cực
5. Chuyện viết blog
Thú thực với mọi người, mỗi lần định chia sẻ một bài viết lên mạng xã hội, mình rất đắn đo, vì sợ những điều viết ra không đủ chín, không đủ chính xác, hoặc không giúp ích được gì nhiều cho người đọc. Chắc đây cũng là một “tác dụng phụ” của việc học nghiên cứu. Trước kia, mình thích việc chia sẻ lắm, có kinh nghiệm gì đều muốn được nói với tất cả mọi người. Thế nhưng, bây giờ mỗi khi nói ra một điều gì, mình hay có xu hướng phải tìm hiểu trước xem điều đó có đúng không đã, có những tranh cãi nào xoay quanh nó không. Thành ra thời gian chuẩn bị mỗi bài viết của mình khá lâu. Đồng thời, chính sự kỳ vọng cao vào bài viết khiến mình cũng không ít lần đánh rơi động lực viết bài. Không biết có bạn nào gặp phải trường hợp giống mình không?
Tuần vừa rồi, mình có nghe một tập podcast của HAVE A SIP: “Đọc nhiều để làm gì? – Dịch giả Trịnh Lữ“, và đã tìm ra được lời giải đáp cho bài toán động lực viết blog của mình:
– Câu hỏi: Một người viết có cần phải đủ độ chín?
– Bác Trịnh Lữ: “Thế nào là chín, thế nào là đủ. Người trẻ thì người ta có cần chín đâu, người ta cứ viết đúng những cái xanh của người ta chứ. Tôi nghĩ chín hay không chín không quan trọng bằng cái thật. Anh nghĩ thế nào, anh nghĩ cái gì, anh viết đúng với những cái ấy. Đừng viết vì mục đích gì khác, đừng viết để thành nhà văn, đừng viết để thành nổi tiếng, đừng viết để bán được sách, đừng viết để chửi bới, cạnh khoé…, hãy viết những gì có ích cho đời.”
Ngoài ra, trong tập podcast này, bác Trịnh Lữ cũng chia sẻ rất nhiều suy nghĩ về các vấn đề cuộc sống như thái độ nghề nghiệp, sự lựa chọn, sự giản dị và thành thật, đủ và thiếu, chín và xanh… cực kỳ thấm thía với mình.
Cảm ơn các bạn đã ghé thăm blog và lắng nghe câu chuyện của mình. Chúc các bạn luôn vui!
Note: Bài viết này được sản xuất để đăng trên Facebook page Tea with Tâm, nên ngôn ngữ và cách trình bày tương đối đơn giản để phù hợp với xu hướng đọc của khán giả trên nền tảng này. Từ tháng 10/2023, website Tea with Tâm ra đời, với mong muốn mang tới những bài viết chi tiết và có chiều sâu hơn bên cạnh các bài viết ngắn. Rất mong các bạn đón nhận!