Hôm qua mình có cuộc họp với một bạn PhD thuộc dự án nghiên cứu mình tham gia. Bạn mình đang cảm thấy mất phương hướng, bởi vừa nhận được tin phải thay đổi hướng nghiên cứu. Cụ thể, bọn mình cùng thực hiện một dự án nghiên cứu lớn về “Trust in AI systems”, mình sẽ tập trung nghiên cứu các vấn đề thuộc về lĩnh vực quản lý và con người, còn bạn mình tập trung vào khía cạnh kỹ thuật. Mặc dù cùng thuộc một dự án lớn, nhưng mỗi người được hướng dẫn bởi hai nhóm giáo sư riêng, đồng thời suốt 6 tháng qua bọn mình cũng được định hướng tiến hành việc nghiên cứu một cách độc lập, từ việc lựa chọn chủ đề đến thu thập dữ liệu.
Thế nhưng, tuần vừa rồi bạn mình nhận được tin phải thay đổi hướng nghiên cứu để phù hợp với yêu cầu của tổ chức trao học bổng. Đồng thời, bạn sẽ hợp tác với mình để cùng thu thập dữ liệu, tức là tiến độ công việc của hai bọn mình từ nay sẽ phụ thuộc vào nhau.
Lúc họp với mình, bạn rất lo lắng vì mọi việc không theo đúng kế hoạch như bạn đề ra. Tình thế của bạn làm mình nhớ lại câu chuyện của mình cách đây hơn 1 năm, khi còn làm Research Assistant. Lúc đó, mình có cơ hội tham dự một nhóm nghiên cứu với mục tiêu xuất bản hai bài báo đăng tạp chí. Thế nhưng đến giờ cả hai “em nó” vẫn chỉ là hai bản thảo dang dở, vì các giáo sư không tiếp tục theo đuổi đề tài nghiên cứu đó nữa. Lúc đó mình đã hoàn thành bản nháp cho một phần của cả hai bài báo, nên mình khá hụt hẫng biết rằng dự án sẽ không được tiếp tục. Thậm chí, mình còn băn khoăn liệu lí do dự án bị gián đoạn là do bản nháp của mình viết quá chán nên các thầy cô không muốn tiếp tục làm việc với mình hay không.
Mình đem trăn trở đấy chia sẻ với các anh chị PhD mà mình quen, thì mới biết việc dự án nghiên cứu bị trì hoãn, phải thay đổi kế hoạch, hoặc thậm chí bị huỷ là chuyện xảy ra thường xuyên. Đặc thù của việc nghiên cứu không chỉ phụ thuộc vào bản thân mình mà còn (phần lớn) cần sự hợp tác của những người xung quanh, nên không dễ dàng khắc phục được những việc này.
Sau này, khi gặp lại các thầy cô trong dự án dang dở lúc đó, các thầy cô cũng bảo rằng lí do không phải ở bản thảo của mình, mà vì bộ dữ liệu không đủ tốt cho một bài báo ở các tạp chí chất lượng cao.
Từ hai bài báo dở dang đó, mình có cái nhìn thực tế hơn về việc làm nghiên cứu. Ngay từ lúc bắt đầu, mình đã xác định luôn là có thể mọi thứ sẽ không theo đúng kế hoạch và mong muốn của mình trong suốt 4 năm học. Đồng thời, ở từng bước, mình đều có kế hoạch dự trù nếu chuyện không mong muốn xảy ra. Có lẽ chính vì vậy mà suốt thời gian qua, cho dù gặp nhiều vấn đề, tiến độ công việc của mình vẫn không bị ảnh hưởng quá nhiều, tinh thần cũng luôn vững vàng, thoải mái.
Mình chia sẻ lại toàn bộ câu chuyện và kinh nghiệm trên cho bạn mình. Nhìn ở góc độ tích cực, bạn mình vẫn còn đủ thời gian để theo đuổi hướng nghiên cứu mới. Mình từng chứng kiến một người bạn PhD phải thay đổi hướng nghiên cứu sau 1.5 năm học nhưng vẫn hoàn thành việc học PhD trong 2.5 năm. Đồng thời, không phải toàn bộ những gì bạn đã làm suốt 6 tháng qua sẽ phí phạm, mà có thể là nền tảng cho hướng nghiên cứu mới. Hơn thế, việc hợp tác cũng sẽ giúp bọn mình có thể san sẻ công việc và thúc đẩy tiến độ dự án nhanh hơn so với việc làm độc lập trước kia. Sau buổi họp, mình chia sẻ toàn bộ tài liệu và tiến độ công việc của mình để bạn tìm hiểu thêm.
Vài dòng tâm sự với các bạn về những gì xảy ra trong hành trình học PhD của mình.
Chúc các bạn cuối tuần vui vẻ
Note: Bài viết này được sản xuất để đăng trên Facebook page Tea with Tâm, nên ngôn ngữ và cách trình bày tương đối đơn giản để phù hợp với xu hướng đọc của khán giả trên nền tảng này. Từ tháng 10/2023, website Tea with Tâm ra đời, với mong muốn mang tới những bài viết chi tiết và có chiều sâu hơn, song song các bài viết ngắn. Rất mong các bạn đón nhận!