Vậy là mình đã sắp kết thúc một năm đầu tiên học Tiến sĩ. Càng về những ngày cuối năm, deadlines các môn học và công việc nghiên cứu càng nhiều. Không chỉ mình mà tất cả mọi người xung quanh đều hối hả, bận rộn hơn vào những ngày này. Ai cũng đang cố gắng tăng tốc để hoàn thành các kế hoạch trước dịp nghỉ lễ Giáng sinh và năm mới
Ngày trước khi còn đi làm, mỗi “mùa chạy deadlines” như thế này, mình thường ở lại công ty làm việc đến khuya, làm thêm cả cuối tuần, gạt bỏ hết mọi hoạt động nghỉ ngơi, giải trí để dành thời gian cho công việc. Nhưng bây giờ mình không muốn bản thân tiếp tục rơi vào tình trạng như thế. Mình muốn mặc dù phải chạy deadlines, mà vẫn đảm bảo sức khoẻ thể chất và tinh thần, vẫn có thời gian duy trì các hoạt động giải trí, nghỉ ngơi và các dự án cá nhân. Nói cách khác, mình vẫn muốn có work-life balance giữa mùa chạy deadline cơ >__<
Tuy nhiên, sau vài tuần vừa rồi, mình nhận thấy mong muốn của mình hơi bất khả thi. Những công việc quan trọng luôn đi cùng với độ khó cao hơn, nhiều thử thách hơn, và cần nhiều thời gian để thực hiện hơn. Bởi vậy, nếu duy trì lịch làm việc ‘cân bằng’ như thường ngày, mình không thể hoàn thành mọi công việc trong thời hạn được giao. Mình quyết định trong thời gian này sẽ giảm bớt—thậm chí, dừng hẳn—một số dự án và hoạt động khác kém quan trọng hơn, và dành thời gian vốn dành cho các công việc đó cho việc học và nghiên cứu. Từ tuần vừa rồi, ngoài 8 tiếng làm việc vào ban ngày như bình thường, mình dành thêm 2-3 tiếng buổi tối để học thêm. Nhờ vậy, mình đã nhanh chóng hoàn thành được hai deadlines mới, mà vẫn duy trì được thời gian cho việc nghỉ ngơi và tập thể dục
Mình cảm thấy theo thời gian, kỹ năng sắp xếp công việc của mình hiệu quả và nhanh chóng hơn. Có lẽ là vì mình đã nhận biết rõ hơn đâu là những ưu tiên quan trọng trong cuộc sống ở từng thời điểm khác nhau, nên việc chọn lựa thứ tự ưu tiên công việc không còn khiến mình phải đắn đo quá nhiều. Mình cũng thử nhiều loại công việc khác nhau trong suốt mấy năm qua, nên bây giờ có thể ước lượng được thời gian cần thiết để hoàn thành một công việc nào đó.
Quan trọng hơn, những trải nghiệm trước đó đã giúp mình hiểu rằng, trong nhiều thời điểm, phải có sự đánh đổi (trade-off) để đạt được mục tiêu lớn, ví dụ hi sinh một chút thời gian nghỉ ngơi, giải trí để dồn sức cho các kế hoạch lớn trong học tập/làm việc. Nhưng nếu cảm thấy quá sức, mình sẽ tìm cách để giảm nhịp độ làm việc xuống, đủ để mình hồi phục lại năng lượng, chứ không nhất quyết bám trụ đến mức kiệt quệ sức lực như ngày trước nữa.
Tuy nhiên, mình cũng hiểu rõ, bản thân mình có được sự chủ động này một phần vì công việc hiện tại là nghiên cứu sinh, thiên về làm việc độc lập, và chưa phải gánh nhiều trách nhiệm. Có thể ở trong những môi trường khác, khi tiến độ của mình trực tiếp ảnh hưởng đến cả nhóm, hoặc phải chịu sức ép từ nhiều bên, mình sẽ không còn được chủ động quyết định như vậy nữa. Ví dụ, bạn mình làm bên Thiết kế đồ hoạ kể lại, việc chạy theo deadlines là điều không thể tránh khỏi. Nhiều khi muốn nghỉ ngơi, muốn tạm thời không trả lời email/điện thoại công việc cũng không được vì phải đảm bảo yêu cầu tiến độ từ phía khách hàng. Mình đoán là nhiều bạn đọc bài viết này cũng sẽ thấy bản thân đang ở trong hoàn cảnh tương tự.
Nghe có vẻ mông lung quá nhỉ? Mình không muốn kết thúc bài viết này với một nốt trầm buồn. Có một điều các bạn có thể tin tưởng đó là: đi cùng với sự trưởng thành của bản thân và sự dày lên của trải nghiệm, các bạn sẽ dần nhận rõ được những ưu tiên trong cuộc sống của mình, từ đó sẽ biết cách sắp xếp công việc và cân bằng lại cuộc sống phù hợp với hoàn cảnh riêng của chính bạn. Lúc đó, cho dù bạn vẫn phải đối diện với những mùa chạy deadlines căng thẳng hơn gấp chục lần, bạn của những năm sau sẽ làm tốt hơn bạn của những năm trước. Tất nhiên, điều này chỉ có được nếu các bạn có sự đánh giá, phản tư (self-reflection) liên tục sau mỗi công việc/trải nghiệm để nhìn nhận ra đâu là những điều mình đã làm tốt/chưa làm tốt để cải thiện, sửa chữa. You cannot expect to grow while also staying the same
Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết của mình. Chúc các bạn những ngày cuối năm vui vẻ và mạnh khoẻ nhé
Note: Bài viết này được sản xuất để đăng trên Facebook page Tea with Tâm, nên ngôn ngữ và cách trình bày tương đối đơn giản để phù hợp với xu hướng đọc của khán giả trên nền tảng này. Từ tháng 10/2023, website Tea with Tâm ra đời, với mong muốn mang tới những bài viết chi tiết và có chiều sâu hơn, song song các bài viết ngắn. Rất mong các bạn đón nhận!