Tại sao biết công việc sẽ vất vả như vậy mà bạn vẫn chọn nó?
Hôm qua, trường mình tổ chức Hội thảo cuối năm dành cho sinh viên Tiến sĩ của trường. Chắc đây là lần đầu tiên đi hội thảo từ sáng đến tối mà mình không hề cảm thấy mệt, vì được học quá nhiều điều hay.
Câu chuyện số 1
Hội thảo bắt đầu với bài chia sẻ của một giáo sư về chủ đề “Having an academic career and a life?”, tạm hiểu là “Làm thế nào để vừa có sự nghiệp học thuật, vừa có cuộc sống riêng?”. Những người làm việc trong môi trường học thuật, đặc biệt ở vị trí giáo sư đại học, thường được biết đến là những người có cuộc sống vô cùng bận rộn và vất vả. Thậm chí, rất nhiều người nói rằng họ làm việc 12-14 tiếng một ngày, và phải hi sinh rất nhiều thời gian dành cho bản thân và gia đình. Tại sao lại như thế, và làm sao để vừa đảm bảo sự nghiệp học thuật và có cuộc sống riêng?
Thông thường, để đảm bảo sự nghiệp ổn định và có thăng tiến, các giáo sư đại học được kỳ vọng sẽ thực hiện tốt “3 chân kiềng”: nghiên cứu, dạy học, và thực hiện các hoạt động phục vụ khoa và trường (Teaching – Research – Service). Khối lượng công việc của cả ba mảng này cực kỳ lớn, nên phần lớn họ phải làm việc liên tục để đảm bảo hoàn thành tốt mọi công việc. Không nói đâu xa, cả hai giáo sư hướng dẫn của mình đều có lịch làm việc cực kỳ bận rộn. Mỗi ngày các cô có đến ít nhất 6-7 cuộc họp với nhiều nhóm khác nhau. Nhiều hôm đã 9, 10 giờ đêm, cô vẫn gửi email cho mình (Nhưng cả hai cô đều khuyên mình em đừng giống như cô, hãy nghỉ ngơi vào buổi tối ).
Bên cạnh đó, giáo sư đại học cũng thường phải đón nhận sự đánh giá từ nhiều phía—học sinh, nhà trường, đồng nghiệp, các nhà xuất bản nghiên cứu, và cộng đồng nói chung—nên hầu hết mọi người cảm thấy vô cùng áp lực. Mặc dù mình mới chỉ là sinh viên nghiên cứu, mình cũng đã cảm nhận được phần nào áp lực này. Mỗi một bước trong quá trình nghiên cứu, mỗi một bài thuyết trình, hay mỗi một bài viết của mình đều phải đi qua sự đánh giá của rất nhiều bên, nên mình luôn ở trong tâm thế sẽ luôn có người nhìn vào và đánh giá. Nó giống như cảm giác như đứng trên sân khấu trước hàng trăm ánh mắt vậy.
Thế tại sao biết là sẽ vất vả như vậy mà mọi người vẫn lựa chọn con đường này?
Mọi người trong khán phòng lặng đi một lúc, rồi vài cánh tay bắt đầu giơ lên. Người nói rằng mình chọn con đường học thuật vì họ thích học và nghiên cứu. Người bảo rằng họ thích giảng dạy và giúp đỡ học sinh. Người thì yêu thích sự tự do, chủ động khi làm việc trong môi trường học thuật. Cho dù có lịch dạy hay lịch họp cố định, thì về cơ bản họ có nhiều sự chủ động trong thời gian của họ hơn so với khi làm việc trong industry. Và rất nhiều lí do thú vị khác nữa.
Sau khi lắng nghe hết lí do của mọi người, giáo sư nhắn nhủ bọn mình ba điều:
1. Hãy xác định rõ mục tiêu theo đuổi sự nghiệp học thuật của mình là gì, và mình muốn trở thành người như thế nào trong tương lai. Điều này sẽ giúp bọn mình biết cần phải ưu tiên điều gì, để từ đó phân bổ thời gian hợp lý và tận hưởng quá trình làm việc hơn.
2. Đừng áp đặt mình phải trở thành một phiên bản giống như người khác. Chuyện áp lực đồng trang lứa trong giới học thuật sẽ luôn diễn ra thường xuyên, nhưng đừng để nó chi phối quá nhiều đến tâm trạng của mình. Cứ tập trung vào việc mình làm, và vững vàng đi theo con đường riêng của mình.
3. Hãy tạo thói quen chia sẻ với nhau về cách tận hưởng hành trình học tập và làm việc, thay vì nhấn mạnh vào những hi sinh, đánh đổi đã trải qua để có được sự nghiệp hiện tại. Trong rất nhiều buổi chia sẻ của các “tiền bối” dành cho sinh viên PhD, mọi người hay kể về những vất vả, hi sinh của họ để đảm bảo thăng tiến trong nghề nghiệp, và điều này vô tình khiến sinh viên luôn nghĩ rằng: đã theo đuổi con đường học thuật là phải vất vả, khổ sở như thế. Đúng là hành trình sẽ không hề dễ dàng (và thực tế là chẳng có công việc nào trên đời này là dễ dàng cả), nhưng chỉ cần thay đổi góc nhìn và cách truyền đạt thôi, chúng ta sẽ dần hình thành cái nhìn tích cực hơn khi nghĩ về sự nghiệp học thuật.
Câu chuyện số 2
Buổi chiều, mình tham gia buổi thảo luận về cách bảo vệ sức khoẻ tinh thần trong lúc học Tiến sĩ. Trong rất nhiều vấn đề, có một hiện tượng thú vị mà tất cả sinh viên trường mình đều trải qua, đó là trở nên thiếu tự tin so với bản thân trước đây. Tức là, bọn mình chỉ cảm thấy thiếu tự tin khi ở trong vị thế là một sinh viên Tiến sĩ; nhưng nếu được đặt trong các công việc khác, bọn mình lại tự tin như bình thường
Ví dụ, có một chị là một nhà tâm lý học rất được yêu thích ở Ireland, thường xuyên được mời tham dự các talkshow để chia sẻ. Chị cảm thấy rất tự tin khi ở trong những hoàn cảnh đấy. Nhưng khi phải nói chuyện về nghiên cứu trước các giáo sư, chị trở nên lúng túng và không biết phải nói gì.
Chuyện thiếu tự tin và cách vượt qua nó thì mình đã nghe nhiều, nhưng điều mình tâm đắc nhất là sau hôm nay, mình đã hiểu được lí do của hiện tượng này. Hầu hết sinh viên PhD ở trường mình đều đã đi làm một công việc khác một thời gian khá dài, nhiều người đã trở thành chuyên gia trong lĩnh vực đó. Tuy nhiên, khi chuyển sang học PhD, bọn mình phải bắt đầu xây dựng một bản sắc mới cho mình: một nhà nghiên cứu. Và rõ ràng, vì bọn mình mới bắt đầu hành trình này, nên còn rất nhiều bỡ ngỡ, thiếu sót.
Đó là lí do tại sao bọn mình có thể rất tự tin ở những công việc khác, nhưng lại trở nên…nhút nhát khi được đánh giá dưới góc độ một nhà nghiên cứu.
Hiểu được lí do này, việc bọn mình cần làm là tiếp tục học hỏi và trau dồi kiến thức trong lĩnh vực đang làm, rồi theo thời gian, mình sẽ tự tin hơn với bản sắc mới của bản thân.
Mình có thể cảm nhận được rằng tất cả mọi người sau hội thảo đều trở nên tự tin, thoải mái, và yêu công việc nghiên cứu hơn. Có lẽ vì bọn mình cảm thấy được lắng nghe, được hỗ trợ, được thấy rằng bản thân không cô đơn trên hành trình này.
Hi vọng các bạn cũng tìm thấy nhiều niềm vui trong công việc đang làm.